Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì có nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất - Bài 4: Ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của dân?

Lê Anh Đức 15/04/2022 08:38

Một số hộ dân tại xóm núi Voi bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư nhà lồng để trồng hoa và sản xuất nông nghiệp từ năm 2017. Tuy nhiên đến thời điểm này, họ liên tục nhận được thông báo tự tháo dỡ và quyết định cưỡng chế của các cấp chính quyền. Vậy thiệt hại của người dân ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Các công trình nhà kính sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Dương Tấn Tài và chị Võ Thị Kim Loan.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Năm 2017, anh Dương Tấn Tài - người dân ở xóm núi Voi, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đầu tư trên 1 tỷ đồng dựng 3 nhà kính với diện tích 2.610 m2 để sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại trên mảnh đất của mình, vì không hề nhận được thông báo của chính quyền địa phương, cũng như Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đại Ninh.

Trong quá trình anh Tài mua, chuyên chở nguyên vật liệu về lắp, dựng nhà kính không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía chính quyền và BQL rừng phòng hộ Đại Ninh.

Cũng trong năm đó, gia đình chị Võ Thị Kim Loan - cùng ở xóm dân cư núi Voi cũng đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng xây dựng 2 nhà kính với diện tích 1.980 m2 để trồng hoa và sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại.

Từ đó cho tới tháng 9/2021, gia đình chị Loan vẫn canh tác nông nghiệp bình thường mà không nhận được sự nhắc nhở, cảnh báo nào về việc các công trình trên lấn chiếm đất rừng phòng hộ (mảnh đất mà gia đình chị Loan xây dựng 2 nhà kính trên được anh chị khai phá từ những năm 1992 - trước thời điểm mà UBND tỉnh Lâm Đồng đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ năm 1998, điều chỉnh năm 2000). Vì thế, vợ chồng chị Loan không biết việc xây dựng nhà kính để sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại của gia đình lại là hành vi “lấn chiếm đất rừng phòng hộ”.

Điều lạ là 3 nhà kính của anh Tài và 2 nhà kính của chị Loan có diện tích lên tới gần 4.500m2, được xây dựng hết sức hoành tráng nhưng chính quyền địa phương không có động thái yêu cầu tháo dỡ.

Tháng 9/2021, BQL rừng phòng hộ Đại Ninh và chính quyền xã Hiệp An mới lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo lên UBND huyện Đức Trọng để ban hành thông báo yêu cầu các chủ công trình tự tháo dỡ và quyết định cưỡng chế các nhà kính nói trên.

Việc các nhà kính tồn tại tới hơn 4 năm mới bị lực lượng chức năng phát hiện khiến người dân xóm núi Voi nói riêng và xã Hiệp An nói chung vô cùng ngạc nhiên, bởi không thể có chuyện phi lý như vậy được.

Công trình 4 năm mới cưỡng chế?

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Điểm b, Khoản 2 và Khoản 4, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm kể từ khi phát hiện vi phạm đối với lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp.

Điều đó có nghĩa, việc xây dựng 5 công trình nhà kính của gia đình anh Dương Tấn Tài và chị Võ Thị Kim Loan từ năm 2017 tới nay đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng đã nghĩ cách để lách luật. Muốn vậy thì khi lập biên bản vi phạm hành chính buộc phải xác định thời gian phát hiện công trình vi phạm nằm trong khung hiệu lực mà pháp luật đã quy định.

Nếu không lập biên bản vi phạm hành chính vào tháng 9/2021, UBND huyện Đức Trọng sẽ không có cách nào để ban hành thông báo yêu cầu chủ công trình tự tháo dỡ và quyết định cưỡng chế 5 công trình nhà kính đối với gia đình anh Tài và chị Loan được. Đồng nghĩa với điều đó là các công trình nhà kính của gia đình anh Tài và chị Loan được tồn tại hợp pháp.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh không lý giải được vì sao suốt 4 năm không phát hiện được 5 nhà kính khổng lồ với diện tích gần 4.500m2, mà phải tới tháng 9/2021 mới phát hiện được.

Còn Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh Trương Văn Quang cho rằng: Do địa bàn rộng, nhân sự lại mỏng nên không kịp phát hiện?

(Còn nữa)

Lê Anh Đức