Chữa 'bệnh' sợ mua sắm

H.Vũ (thực hiện) 20/06/2022 07:12

Sau “cơn bão” Việt Á, nhiều địa phương không dám mua sắm, đấu thầu khiến thuốc và vật tư y tế trở nên cạn kiệt. Theo ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cần có biện pháp tháo gỡ để đảm bảo hoạt động bình thường cho ngành y đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân một cách hiệu quả.

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông thời gian qua có tình trạng không dám mua sắm tại nhiều địa phương, dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế chữa bệnh. Điều này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân. “Bệnh” sợ mua sắm theo ông do đâu?

Ông Bùi Đức Thụ: Thời gian qua tình trạng một số bệnh viện, đơn vị thiếu thuốc chữa bệnh và vật tư y tế có nhiều nguyên nhân. Thuốc là mặt hàng nhà nước quản lý, phải có giấy phép mới được xuất nhập khẩu, sản xuất, đảm bảo kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam. Vừa qua có một số tỉnh, thành thận trọng trong rà soát lại các thủ tục sản xuất nhập khẩu, lưu thông các loại thuốc, ảnh hưởng đến nguồn cung các thiết bị, vật tư y tế trong khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, trong lúc dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã cho áp dụng một số cơ chế đặc thù để đảm bảo khám, chữa bệnh. Nhưng một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để tham nhũng, “ăn chia” tiền, tài sản của nhà nước trong mua sắm trang thiết bị cũng như nhập khẩu các loại vật tư y tế. Việc này đã bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng tới tâm lý của một số cán bộ, tổ chức cá nhân trong ngành y, họ “ngại” không dám mua sắm, vì sợ làm sai.

Họ “ngại” phải chăng do các quy định pháp luật của ta bất cập, sợ đụng vào là sai, chứ không đơn thuần là ngại dính đến tiêu cực, thưa ông?

- Nguyên nhân của vấn đề này cần làm rõ và có biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên cũng có thể nêu lên một vài nguyên nhân. Thứ nhất, có những cán bộ lãnh đạo ngành y được đề bạt từ cán bộ chuyên môn, họ cũng không hiểu sâu sắc về quy trình, thủ tục quản lý nhà nước trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách dẫn đến quan niệm khác nhau. Họ chủ quan tưởng làm như vậy là hợp lý nhưng thực chất là vi phạm quy định của pháp luật.

Thứ hai, thực tế cũng có việc văn bản hướng dẫn nhiều khi không kịp thời, thiếu cụ thể, nên ở dưới có tình trạng hiểu không đúng về tinh thần, quy định của pháp luật dẫn đến sai phạm trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, cũng có một số tổ chức cá nhân có biểu hiện sai phạm, “ăn chia” với nhau, nâng khống giá vật tư y tế, mà điển hình là vụ công ty Việt Á chi 800 tỷ đồng để “lại quả” cho các đơn vị mua, sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á.

Bác sĩ không phải chuyên gia về đấu thầu, vậy tại sao chúng ta không đấu thầu mua sắm tập trung lớn rồi chia cho địa phương. Như thế giá rẻ và khó xảy ra tiêu cực hơn, cũng không đẩy rủi ro cho nhân viên y tế, thưa ông?

- Văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định. Những mua sắm lớn phải thực hiện tập trung, đấu thầu công khai rộng rãi, minh bạch. Sau đó mở thầu cũng phải minh bạch, công khai. Đấu thầu tập trung trong thời gian qua cũng đã góp phần giảm chi phí đối với sản phẩm, góp phần minh bạch, và sai phạm ở các địa phương cũng ít đi.

Mua sắm tập trung quy vào đầu mối chuyên nghiệp và tuân thủ theo pháp luật hơn. Có thể nói, mô hình đấu thầu tập trung không chỉ trong y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác. Nhưng vừa qua do tình hình dịch Covid-19, việc quá cấp bách nên để các địa phương chủ động, tăng cường tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn mình, bởi vậy mới phân cấp cho địa phương mua sắm, đấu thầu. Và thực tế đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Đây là cái chúng ta đã nhìn rõ và có hướng xử lý. Cần rút kinh nghiệm để tổ chức mua sắm đấu thầu trong giai đoạn tiếp theo. Còn về quy định chung thì cả Luật Đấu thầu, đấu giá đều cho phép mua sắm tập trung và phân cấp cho các địa phương mua sắm.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Nghị quyết của Quốc hội chỉ ghi về nguyên tắc, còn thực hiện là do Chính phủ. Vậy theo ông Chính phủ cần triển khai việc trên theo hướng nào?

- Để đảm bảo cho hoạt động trở lại bình thường, cung ứng đủ vật tư thiết bị cần thiết theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân một cách có hiệu quả thì cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình, xem vướng chỗ nào để có giải pháp cụ thể. Còn nếu văn bản đúng, chuẩn rồi thì cần tổ chức hướng dẫn tập huấn cho người thực thi công vụ trong lĩnh vực này. Tránh tình trạng hiểu không đúng tinh thần pháp luật dẫn đến sai và làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Ngoài ra cần phải minh bạch hóa các quy định về sản xuất cũng như lưu thông xuất nhập khẩu, phân phối, sử dụng đối với các loại thuốc chữa bệnh nói riêng và vật tư y tế nói chung. Bên cạnh đó, cần minh bạch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, MTTQ Việt Nam, sự giám sát của người dân, cán bộ công nhân viên trong đơn vị y tế để loại trừ các hành vi tham nhũng, ăn chia, chiếm đoạt tiền, tài sản nhà nước trong lĩnh vực này.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)