Khai thông cho cao tốc

Nam Việt 21/07/2022 07:44

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị từ ngày 1/8, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC); chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy tại các trạm thu phí; hạn chế thanh toán chi phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức thủ công.

Được biết, đến nay đã có hơn 3,2 trong tổng số 4,5 triệu xe trong cả nước, đạt hơn 71%, dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC.

Trước đó, tại cuộc họp về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31/7 (ngoại trừ 16 trạm đã được Thủ tướng chấp thuận không triển khai). Hết thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa hoàn thành (ETC) sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chủ trương thu phí không dừng đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm chạp. Trên nhiều tuyến cao tốc, việc tiếp tục thu phí theo lối thủ công “tiền trao cháo múc” đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nổi bật là việc ùn tắc ở hai đầu trạm thu phí cũng như làm giảm tốc độ xe lưu chuyển trên đường. Vì vậy, xóa bỏ hình thức thu phí một dừng sử dụng tiền mặt là việc gấp rút phải làm, nếu không cao tốc sẽ không còn là cao tốc theo đúng nghĩa nữa.

Trước khi chính thức thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức ETC từ ngày 1/8 tới, ngày 19/7, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thực hiện thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc, trong đó thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc. Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết sẽ “nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.

Việc này được đặt ra nhằm khắc phục tình trạng số phương tiện dán thẻ định danh và sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp, dẫn tới không phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí ETC.

Chính phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã thúc đẩy người dân, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành thủ tục thu phí không dừng cho phương tiện của mình. Công văn của Bộ GTVT cũng yêu cầu, không điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC lưu thông vào các làn thu phí ETC gây ách tắc giao thông.

Theo Bộ GTVT, tại thời điểm tháng 2/2022, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km. Đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km. Như vậy, hệ thống đường cao tốc sẽ ngày một nhiều lên, càng đòi hỏi việc áp dụng việc thu phí không dừng phải đẩy nhanh, triệt để. Còn về trạm thu phí, thông tin gần đây cho biết, trên toàn quốc hiện nay có tới 88 trạm thu phí, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh quản lý 15 trạm. Riêng Quốc lộ 1A có 40 trạm thu phí. Tính trung bình cứ 62km có 1 trạm thu phí đường bộ.

Nếu như việc áp dụng thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) kể từ ngày 1/8 tới thuận lợi, sẽ là bước tiến lớn cho việc giao thông trên những tuyến cao tốc. Từ trước tới nay, giao thông đường bộ vẫn được coi là một thách thức, khi mà hầu hết các tuyến đường đều là giao thông hỗn hợp. Việc phân làn cũng có nhưng không được người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm túc. Đặc biệt ở những tuyến đường vùng ven các đô thị lớn và trong nội đô, tình trạng các loại phương tiện chen lấn cùng một làn đường vào giờ cao điểm khi nhiều người tham gia giao thông cùng lúc đã gây ra sự hỗn loạn, ùn tắc, có khi kẹt cứng kéo dài.

Vì thế, người dân rất hy vọng việc thu phí theo hình thức ETC trên cao tốc sẽ được cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm, để dần tạo ra hành vi tham gia giao thông văn minh. Từ đó sẽ “xử lý” đến các tuyến đường khác, để việc “đường thông, hè thoáng” không còn là khẩu hiệu, mà phải trở thành hiện thực. Đường sá được coi là “huyết mạch”, thì cũng không thể để tồn tại những cục máu đông trong mạch máu.

Nam Việt