Bóng đá Việt: Viết tiếp giấc mơ World Cup

HOÀNG NAM 01/08/2022 06:46

Tuyển Việt Nam đã tạo dấu ấn trong hành trình lịch sử lần đầu lọt vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhiều bài học quý đã đến và cũng chỉ ra nhiều điều để khắc phục cho bóng đá Việt sau hành trình ấn tượng này. Nhưng không vì thế mà các "chiến binh Sao Vàng" dễ dàng từ bỏ giấc mơ của mình.

Các cầu thủ của ĐT Việt Nam cần có thêm những sân chơi lớn để rèn luyện.

Hành trình lịch sử

ĐT Việt Nam lần đầu tiên giành vé đến vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, lần đầu tiên có được bước tiến lớn trong hành trình tiến gần hơn tới giấc mơ dự vòng chung kết của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, khi đối thủ đều là những đội bóng mạnh ở châu lục, ĐT Việt Nam đã không thể gây bất ngờ.

Trong suốt hành trình ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với 10 trận đấu, tuyển Việt Nam giành được 4 điểm, đứng cuối bảng B. Mặc dù chỉ giành được 4 điểm, ghi được 8 bàn thắng, để lọt lưới tới 19 bàn, nhưng nhìn tổng quan thì ĐT Việt Nam đã có hành trình đáng khen ngợi tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Thầy trò HLV Park Hang Seo không chỉ hoàn thành mục tiêu về điểm số, về chiến thuật và lối chơi mà còn được đánh giá rất cao về tinh thần chiến đấu. Mặc dù đứng cuối, không có vé dự VCK World Cup 2022, nhưng ĐT Việt Nam vẫn đi vào lịch sử, khi trở thành đội bóng đầu tiên của khu vực Đông Nam Á có được chiến thắng và giành được 4 điểm ở vòng loại thứ 3 World Cup.

Tuyển Việt Nam có nhiều điểm đáng khen ngợi. Đó là tinh thần quyết tâm thi đấu, nỗ lực đến phút cuối, không trở thành “ngân hàng điểm” khi phải đối đầu với các đội hàng đầu châu lục. Các học trò ông Park chơi tiến bộ dần lên ở từng trận đấu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ghi được bàn vào lưới các đội mạnh. Cụ thể, đã ghi 8 bàn ở vòng loại ba World Cup 2022, trong đó có các trận chọc thủng lưới Nhật Bản, Saudi Arabia, Oman và Trung Quốc. Đó là điểm tích cực của "những chiến binh Sao Vàng" trong lần đầu đặt chân đến chiến dịch này, bởi so với trước, tuyển Việt Nam khi gặp đội lớn châu Á không còn chơi theo kiểu hoàn toàn chịu trận.

“ĐT Việt Nam được nhiều hơn là mất khi thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup. Chúng ta đã khẳng định được tên tuổi, sự tiến bộ và vị thế của bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành hơn rất nhiều. Trong các trận đấu với những đội tuyển đẳng cấp thế giới, ĐT Việt Nam vẫn có thế trận rất tốt, làm cho đối phương lúng túng và không chịu thua một cách dễ dàng”, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhận xét.

Những trận thua liên tiếp của tuyển Việt Nam là chuyện đã được dự đoán trước. Những cú va vấp ở sân chơi lần này tạo tiền đề cho sự vươn lên của bóng đá Việt Nam.

Nỗ lực từ hôm nay

Lần đầu vào đến vòng loại cuối cùng World Cup, bóng đá Việt Nam đã phải dừng bước và vấn đề là ở chỗ, chúng ta không chỉ dừng lại ở mốc giới hạn này. Để có thể tiếp tục giấc mơ đi tới vòng chung kết một kỳ World Cup, bóng đá Việt Nam cần làm nhiều hơn bây giờ thay vì chỉ hài lòng với các giải đấu trong khu vực. Chúng ta cần dần tiếp cận trình độ châu lục, bắt đầu từ việc các cầu thủ “lứa U” phải có mặt ở các giải trẻ châu Á, trong khi đội tuyển quốc gia cần liên tục có mặt ở các giải Asian Cup và vòng loại cuối cùng World Cup. Để thu hẹp khoảng cách, cầu thủ phải được cọ xát nhiều từ trong tới ngoài nước. Cùng với nền tảng giải vô địch quốc gia phát triển mạnh và ổn định, điểm chung của các nền bóng đá lớn ở châu Á thường xuyên tham dự sân chơi World Cup là hệ thống đào tạo trẻ rất mạnh, liên tục bổ sung các lứa cầu thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia. Việc được thi đấu nhiều sẽ giúp họ tự tin về cách chơi, sự va chạm và nâng cao sức bền thể lực lẫn tư duy chiến thuật. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có một thế hệ cầu thủ đồng đều về tài năng.

Điều này đòi hỏi công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ ở cơ sở phải có bài bản. Bóng đá trẻ cần tiếp tục phát triển rộng khắp cả nước thì mới có được những "viên ngọc thô" cung cấp cho đội tuyển các lứa tuổi. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng các trung tâm đào tạo bởi trong bóng đá hiện đại, ngoài kỹ năng chơi bóng, các cầu thủ còn phải được đào tạo về tư duy chiến thuật, tác phong chuyên nghiệp...

Hiện tại chỉ còn một số nơi làm công tác đào tạo trẻ khá căn cơ như Hà Nội, PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Nam Định, SLNA, Viettel… Nhưng chỉ có ngần ấy thì khó có thể cung cấp nhân sự đủ cho các lứa kế cận của các đội tuyển trẻ quốc gia. Bằng chứng rõ nét nhất là sự cách biệt giữa đội U22 và đội tuyển Việt Nam hiện tại. Chính bởi vậy, hệ thống phát triển bóng đá từ các cấp thấp trở lên, kể cả bóng đá học đường, khi môn thể thao này cũng được đưa vào nhà trường ngay ở các cấp học dưới cũng là thành tố quan trọng để họ tìm ra được những nhân tố xuất sắc để đầu tư, phát triển. Nhưng "học thì phải có hành", việc các giải đấu trẻ quá ít khiến các cầu thủ nhí không rèn được khả năng thực chiến. Rồi đến khi trưởng thành, việc triền miên ngồi ghế dự bị ở V-League càng kìm hãm khả năng phát triển của họ. Như vậy thì lấy đâu ra "dòng máu mới" cho tuyển quốc gia. Vì vậy, đã đến lúc V-League cần xem xét có quy định mỗi CLB có từ 1 tới 2 cầu thủ dưới 21 tuổi có tên trong đội hình xuất phát. Làm mạnh tay vậy thì may ra "ngọc trong đá" mới phát lộ.

Một nguyên nhân cũng cần sớm tìm biện pháp khắc phục chính là có định hướng được chiến lược cụ thể về cải thiện tầm vóc, thể lực ngay từ sớm. Nếu không khắc phục được điều này thì đừng mơ đến việc xóa nhòa khoảng cách biệt về đẳng cấp của bóng đá nước nhà với châu lục. Cầu thủ Việt Nam giỏi kỹ năng, tư duy chiến thuật tốt và điều đó được thể hiện rõ ở những cấp độ trẻ nhưng tới giai đoạn khẳng định mình thì việc thua kém nhiều về thể hình và sức mạnh đã khiến lực bất tòng tâm. Để chuẩn bị cho sân chơi World Cup thì lứa cầu thủ trẻ không chỉ là lứa U23 hiện tại mà phải từ lứa U19 rất cần được đầu tư chăm sóc. U19 Việt Nam đã không thể vào chơi trận chung kết như kỳ vọng trước đó sau thất bại trước Malaysia ở bán kết và chỉ có thể giành HCĐ tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua là một nốt trầm cần thiết.

Vấn đề quan trọng đã được chỉ ra chính là việc muốn các cầu thủ tiềm năng phát triển thành tài năng thì buộc phải có chiến lược đầu tư dài hơi. Lứa U19 hôm nay không thiếu tiềm năng để khai phá. Giới chuyên môn cũng nhìn ra được những điểm sáng và cả hạn chế của lứa cầu thủ này để tiếp tục xây dựng, định hướng phát triển cho tương lại. Trở về từ giải U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam sẽ dự giải U19 quốc tế ở Bình Dương đầu tháng 8 tới đây. Ngay sau đó, sẽ có chuyến tập huấn kéo dài 2 tuần ở Nhật Bản. Bóng đá trẻ, việc được thi đấu nhiều và ra nước ngoài tập huấn là rất tốt. Không chỉ U19 Việt Nam, cần cho những lứa trẻ khác (U15, U17) thường xuyên đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Nếu được thực chiến với những nền bóng đá phát triển thì bản thân các cầu thủ trẻ càng phát triển năng lực chuyên môn.

Nhìn vào cách các “ông lớn” châu lục đã làm để đi đến thành công như hiện tại, chắc hẳn bóng đá Việt Nam sẽ rút ra được nhiều bài học cho mình. Chính HLV Park Hang Seo cũng nhấn mạnh: "Tính đến nay, tôi đã có 5 năm làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Tôi thấy, bóng đá Việt Nam còn nhiều thứ phải làm. Chúng ta hòa Nhật Bản, nhưng về mặt tiềm năng thì còn thiếu rất nhiều. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhiều yếu tố khác, những thứ để hỗ trợ sự phát triển bóng đá thì ở Việt Nam chưa được tốt. Nhưng trong tương lai khi kinh tế phát triển, những thứ đó sẽ được cải thiện. Khi đó tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ rất phát triển". Cùng với đó, ông Park cho rằng từ thời điểm này, đội tuyển đã phải chuẩn bị ngay lập tức cho vòng loại World Cup 2026 chứ không chỉ là ngồi chờ đợi.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cũng đã lên tiếng khẳng định FIFA sẽ ủng hộ và tăng cường hỗ trợ VFF, với mục tiêu đưa bóng đá nam Việt Nam dự World Cup trong thời gian sớm nhất trong buổi trao đổi với Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn.

Bóng đá Việt Nam còn cách World Cup một chặng đường rất xa, nhưng nếu cứ đi bằng sự nhẫn nại và không ngừng học hỏi, sẽ có ngày đến đích. Bản thân các cầu thủ cũng sẽ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao thể lực, kỹ, chiến thuật và nên được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn nữa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có như vậy, giấc mơ World Cup của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam mới sớm trở thành hiện thực.

Để tham dự vòng loại World Cup tiếp theo thì chúng ta sẽ phải chờ 4 năm. Thời điểm này phải tính toán thế nào để lần tiếp theo chúng ta có được kết quả tốt hơn chứ không để thời gian trôi đi trong vô định. Cần phải nhìn lại để xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh. Tôi không biết 4 năm nữa mình có còn làm HLV tuyển Việt Nam hay không. Nhưng các cầu thủ cần trải nghiệm như thế này để phát triển. Chúng ta cần xây dựng hệ thống hoàn thiện hơn nữa về hành chính, cấu trúc để giúp đỡ các cầu thủ. Những gì cần thiết phải làm thì phải làm từ bây giờ.

HLV Park Hang Seo

HOÀNG NAM