Ảnh: Nuôi cá 'quý tộc' trên đỉnh núi, người đàn ông thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Đình Minh 27/10/2022 14:01

Hơn 10 năm trước, ông Hà Khắc Sâm (trú thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa) đã quyết định “bỏ phố” lên núi Pù Rinh dựng lán, xây bể nuôi cá tầm. Đến nay, sau những ngày tháng 'trầy da, tróc vẩy', ông đã xây dựng được mô hình nuôi cá tầm số 1 ở Thanh Hóa, tìm được đầu ra, sau khi xuất bán, cho lãi hàng trăm triệu đồng.

Năm 2010, trước sức hút của cá hồi, UBND tỉnh Thanh Hóa mời Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa về khảo sát địa chất, dòng nước để đưa loài cá "quý tộc" về nuôi. Qua khảo sát, cả tỉnh chỉ có một điểm phù hợp là dòng suối Tá, thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Sau khi giao Sở KHCN cùng huyện Lang Chánh tập trung phát triển dự án nuôi cá hồi trên địa bàn, lúc bấy giờ ông Hà Khắc Sâm (56 tuổi, quê ở thị trấn Lang Chánh) mới từ nước ngoài trở về, đang là chủ của một doanh nghiệp xây dựng. Sau khi xem xét, huyện đã trao dự án nuôi cá hồi cho ông Sâm, đồng thời tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng.
Trước khi đến với những dòng cá "quý tộc", ông Sâm từng qua nhiều nghề, từ giảng viên đến lái xe, còn có thời gian đi lao động ở nước ngoài.
Để bắt tay vào dự án, việc đầu tiên ông Sâm làm đó là mở đường vào suối Tá. Sau khi mở được đường, ông đi khắp các trại nuôi cá hồi tại Sa Pa để học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá. Khi nắm vững các kỹ thuật, ông đi đến quyết định dồn vốn để xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300m2, xây 2 đập chứa để làm hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn suối Tá về nuôi cá.
Lứa đầu tiên, ông Sâm bỏ ra 420 triệu đồng để mua 6.000 con cá giống về thả. Giữa năm 2011, trang trại xuất bán nhưng do chi phí đầu vào quá lớn khiến giá thành tăng rất cao, và Thanh Hóa chưa có nguồn tiêu thụ ổn định nên ông phải tìm ra Hà Nội để bán. Đi đường xa, tỷ lệ cá chết nhiều, vụ đầu tiên xác định hòa vốn.
Sau khi vay thêm 1 tỷ đồng, năm 2013, ông Sâm xây dựng thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể cá giống. Lần này, ông thả 4.000 cá hồi và đánh liều đưa thêm 10.000 con cá tầm về nuôi. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, sau khi thả cá, ông bắt đầu tính đến việc tìm nguồn tiêu thụ.
"Đến cuối năm 2014 thì số cá tầm, cá hồi được bán hết cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau vụ đó, tôi thu về trên 2 tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng", ông Sâm nói.
Hiện nay, bình quân mỗi năm, ông Sâm xuất khoảng 8 - 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm, mỗi năm đem về doanh thu gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi 500 - 600 triệu đồng.
Ngoài ra, trang trại cá của ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 - 4 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Nói về dòng cá "quý tộc", ông Sâm cho biết, đối với các giống cá nước lạnh, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Nước càng lạnh cá càng ít dịch bệnh và nhanh lớn. Một yếu tố quan trọng nữa chính là nguồn thức ăn đều là bột được nhập từ nước ngoài về với giá 35.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Sâm, hiện tại ngoài việc nuôi cá tầm, ông cũng triển khai thêm việc đón khách đến thăm quan, du lịch công động và phục vụ ăn uống tại chỗ.

Đình Minh