Hơn 315.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học: Rộng cửa cho các trường nghề

Thu Hương 29/08/2022 06:37

Mùa tuyển sinh đại học năm 2022, cả nước có 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Điều này có bất thường hay đây chính là cơ hội cho các trường nghề, giúp xã hội cân bằng nhân lực lao động giữa thầy và thợ?

Rất nhiều thí sinh đã nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp, con đường sau khi tốt nghiệp THPT.
Ảnh: Quang Vinh

“Từ chối” đại học, chủ động chọn trường nghề

Là một trong những tân sinh viên K13 khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội, Vũ Đức Mạnh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, em chọn học nghề vì tin rằng mình sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kỹ năng nghề và các kỹ năng khác đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Mạnh đạt 26,25 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 khối C (trong đó môn Lịch sử đạt 10 điểm) khiến nhiều người bất ngờ nhưng bản thân em cho rằng, đại học (ĐH) không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời.

Cũng từ chối vào ĐH, Tạ Đình Hoàng (Phú Thọ) đạt điểm tốt nghiệp THPT khá cao, 27 điểm khối C, có thể đỗ vào nhiều trường top đầu nếu xét điểm thi cùng điểm cộng ưu tiên. Trước đó, Hoàng cũng đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý của tỉnh nên nhiều người ngỡ ngàng khi em rẽ hướng sang học nghề. "Tuy thành tích học tập không tệ nhưng em lại không thích học những kiến thức lý thuyết dài dòng, khó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, em muốn tìm cho mình một ngôi trường có thể dạy cho mình những kiến thức để áp dụng vào thực tiễn công việc sau này" - Hoàng chia sẻ.

Đây là 2 trong số rất nhiều thí sinh năm 2022 đã nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp, con đường sau khi tốt nghiệp THPT. Không nhất định phải vào ĐH dù điểm thi tốt nghiệp THPT của các em không thấp. Đặc biệt, thành tích học tập trước đó của các em cũng khá ấn tượng nên không phải là chuyện may rủi trong thi cử. Ngay từ đầu, khi xác định rõ mình muốn gì, nên làm gì, hướng đi nào phù hợp với mình và điều kiện gia đình, các em đã tìm hiểu kỹ càng về ngôi trường mình định theo học, ngành học phù hợp với chí hướng và cơ hội việc làm rộng mở sau này.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Trần Xuân Ngọc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, trường có gần 200 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao (từ 18 đến 20 điểm) chính thức làm thủ tục nhập học tại trường. “Đây là một tín hiệu vui đối với nhà trường và hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thể hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả” - ông Ngọc nhấn mạnh và chia sẻ thêm, từ phía nhà trường, những năm trở lại đây đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN thể hiện ở việc cam kết có việc làm ngay sau khi sinh viên ra trường đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh. Ngay khi học trong trường, các em đã được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp và được trả lương như: Cắt gọt kim loại, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… Nhiều ngành được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên không lo về đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, năm 2022 trường mở thêm một số ngành nghề mới như kỹ thuật xây dựng; khai thác thiết bị phát thanh, truyền hình; may và thiết kế thời trang, nề hoàn thiện, điện nước... “Đây là những ngành mà thị trường đang có nhu cầu lao động rất cao. Sinh viên vừa học vừa thực tập, gắn kết việc học sát với yêu cầu của doanh nghiệp nên đào tạo ra đến đâu là có việc làm đến đó. Sinh viên đang trong thời gian vừa học, vừa làm tùy theo đặc thù ngành nghề cũng có mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Số học sinh, sinh viên này thường rơi vào năm thứ 2 của trung cấp và năm thứ 3 của CĐ" - ông Hùng thông tin.

Lựa chọn học nghề, nhiều thí sinh mong muốn ra trường có việc làm ngay, thu nhập cao Ảnh: Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Phân luồng thực chất

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến hết thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (đến 17h ngày 23/8), cả nước vẫn còn 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống.

So sánh với các năm 2020 và 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống lần lượt là 642.270 và 794.739 cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.

Lý giải điều này, đại diện Bộ GDĐT cho rằng điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào ĐH, mong muốn vào học ĐH sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.

Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết năm 2021 số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học ĐH ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.

Theo Bộ GDĐT, hơn 315.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng ĐH là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học ĐH. Bởi hàng loạt trường ĐH quyết định tăng học phí ở mức rất cao từ năm học 2022-2023 và tiếp tục lộ trình tăng những năm sau khiến người học quyết định rẽ hướng sang học nghề với nhiều ưu thế vượt trội như thời gian đào tạo ngắn, cơ hội việc làm rộng mở… Đặc biệt mức học phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm cho chương trình học trung cấp/CĐ, vài triệu đồng khóa nghề sơ cấp thì hệ thống GDNN đang chiếm ưu thế khá lớn so với mức học phí hàng trăm triệu đồng/khóa khi học ĐH.

Từ góc độ dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, học nghề là xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Qua công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Tuấn thấy hiện có khoảng 20%-30% học sinh tốt nghiệp THCS xong đi học nghề theo hệ 9+, nhiều em theo học xong THPT không vào ĐH mà rẽ hướng sang học nghề vì bài toán kinh tế chứ không phải vì các em học dở mới đi học nghề.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước với 1.911 cơ sở đào tạo 669 ngành, nghề trình độ CĐ và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực. Trong thời gian tới, hệ thống GDNN vừa phải tăng cả quy mô lẫn tăng chất lượng, đẩy mạnh tự chủ của các trường nghề. Trong đó, giải pháp để tăng chất lượng đào tạo đó là đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai.

“Tổng cục GDNN đã thiết kế chương trình đào tạo dành cho người làm công tác quản lý, cán bộ kỹ thuật ở doanh nghiệp để họ trở thành giảng viên, giáo viên tham gia vào quá trình đào tạo. Thậm chí đã mở ra cơ chế cho phép trường đào tạo 40% thời gian đào tạo trong doanh nghiệp” - ông Dũng nhấn mạnh.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Không chạy theo bằng cấp, hư danh

Theo nhu cầu xã hội hiện tại, chúng ta đang "thiếu thợ", nhất là những thợ lành nghề. Bên cạnh đó, thợ lành nghề lại có mức lương cao. Thực tế này đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn đi vào học nghề trực tiếp thay vì học ĐH theo "hình thức". Các em đã nhận thức được đầy đủ: Không cần chạy theo bằng cấp, hư danh. Thí sinh nào có năng lực, cảm thấy phù hợp thì chọn đăng ký để vào ĐH, ngược lại thì không nên. Bởi trên thực tế, có rất nhiều em vào ĐH nhưng không học được, cuối cùng lại bỏ học rồi ra ngoài làm, tốn kém cả thời gian, tiền bạc.

GS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT:

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện việc đăng ký xét tuyển vào ĐH sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều thí sinh lúc này biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm thi không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển ĐH, do vậy đã không đăng ký nữa cũng là điều dễ hiểu.

Trước đây nhiều người quan niệm rớt ĐH mới chọn học nghề nhưng thực tế ngày nay cho thấy, không phải cứ học ĐH mới thành công. Các em cần xác định rõ ngành nghề mình muốn theo đuổi, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội và cả yếu tố tài chính của gia đình do xu hướng tự chủ ĐH, các trường sẽ tăng học phí từ năm học này và cả những năm sau. Lựa chọn học nghề ở bậc CĐ, trung cấp hay sơ cấp cũng là một hướng đi, quan trọng là sự nỗ lực của người học sẽ làm nên thành công trong tương lai.

Hàn Minh (ghi)

Thu Hương