Các nước G7 thống nhất giới hạn giá dầu của Nga

Hà Anh (theo CNN) 02/09/2022 22:28

Ngày 2/9, các nền kinh tế lớn nhất của phương Tây đã đồng ý áp đặt giá trần đối với dầu của Nga trong một nỗ lực không làm tăng thêm lạm phát toàn cầu.

Một khung cảnh tại cảng dầu thô Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters.

Các Bộ trưởng Tài chính từ nhóm các nước G7: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Ý và Vương quốc Anh cho biết, họ sẽ cấm cung cấp "các dịch vụ vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu" dựa trên giới hạn giá.

Các nước G7 cho biết trong một tuyên bố chung, giá tối đa sẽ do "một liên minh rộng lớn" của các quốc gia quy định. Nó sẽ có hiệu lực cùng với đợt trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển bắt đầu từ tháng 12.

Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần đối với tài nguyên năng lượng của Nga, biện pháp mà Moskva cho là sẽ gây bất ổn lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Các công ty áp giá trần sẽ không nằm trong số những khách hàng nhận dầu của Nga".

Moskva khẳng định sẽ không hợp tác với họ trên nguyên tắc phi thi thị trường như vậy. Ông Peskov cũng cho rằng người dân châu Âu sẽ là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ quyết định trừng phạt của phương Tây, và Moskva đang nghiên cứu để đánh giá việc áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế quốc gia này.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thúc đẩy các chính phủ đưa ra mức giá trần trong nhiều tháng. Phương Tây đã trừng phạt nhiều hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, nhưng Moscow vẫn tiếp tục kiếm được hàng tỷ USD mỗi tháng nhờ chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và châu Á.

Các bộ trưởng tài chính G7 cho biết: "Giới hạn giá được thiết kế đặc biệt để giảm doanh thu của Nga, đồng thời hạn chế tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với giá năng lượng toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình".

Nhưng biện pháp này vẫn cần phải nghiên cứu và sẽ cực kỳ phức tạp để quản lý. Vẫn còn phải xem giá dầu Nga có thể được giới hạn như thế nào, khi nào và bao nhiêu. Nó cũng sẽ cần sự hỗ trợ quốc tế rộng rãi hơn để có hiệu quả.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đang tìm cách nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết chỉ thực hiện ở mức bằng hoặc thấp hơn giá trần", các bộ trưởng tài chính G7 cho biết.

Hà Anh (theo CNN)