Bạn trẻ nhận trái đắng vì tin vào review trên mạng

Đức Huy 26/09/2022 08:00

Với xu hướng mua hàng online bùng nổ như hiện nay, các video review nổi lên như một kênh thông tin uy tín cho người mua hàng. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã gặp phải tình huống éo le khi tin theo các video trải nghiệm này.

Cẩn thận khi tin vào video giới thiệu trên mạng

Là một người sử dụng mạng xã hội nhiều năm, Nguyễn Thùy Dương (22 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) thường dành từ 5-6 tiếng mỗi ngày để lướt xem các thông tin trên Facebook và Tik Tok. Đặc biệt vào những hôm các ứng dụng mua hàng trực tuyến có khuyến mãi lớn, Dương thường thức đến 3 - 4h sáng chỉ để xem các video trải nghiệm sản phẩm của nhiều KOL.

Từ trải nghiệm nhà hàng, đồ ăn, đồ uống cho đến các đồ gia dụng, đồ trang trí trong phòng, mỹ phẩm, quần áo, tất cả đều có thể xuất hiện trên các video review. Đối với Dương, những video này là nguồn thông tin chính để có cái nhìn ban đầu về sản phẩm, sau đó vào hôm có chương trình giảm giá, Dương sẽ so sánh các mặt hàng và quyết định mua.

Mới đây, một điều đáng thất vọng Dương gặp phải là việc mua hàng theo một KOL chuyên review đồ trang trí phòng. Theo thông tin tại video đó, "chiếc túi dạng hộp khá đa dụng và có thể để được nhiều thứ, nên mua cho một căn phòng có diện tích hẹp". Thấy kiểu dáng khá đẹp và chỉ có giá 30.000 đồng cho một chiếc túi như vậy, Dương quyết định đặt liền ba cái. Đến lúc mở hàng ra, chiếc túi dạng hộp chỉ có diện tích vỏn vẹn 20x16 cm. Với sức chứa đấy, Dương còn chẳng đựng nổi một chiếc quần như dự tính ban đầu.

Chiếc túi khung cứng lỡ cỡ Thùy Dương mua theo người review trên mạng. Kích cỡ của sản phẩm quá bé, khung túi ọp ẹp

“Mình rất thất vọng với sản phẩm mua lần này bởi vì trên video review trông nó cũng khá to và để được như một ngăn tủ quần áo. Thêm nữa giá cũng rất rẻ, theo chương trình khuyến mãi ngày hôm đó thì giảm đến 50% nên mình quyết định mua. Mình nghĩ lần sau sẽ cẩn thận hơn khi tham khảo thông tin từ các video trải nghiệm sản phẩm trên mạng”, Thùy Dương chia sẻ.

Cùng tình cảnh với Thùy Dương, Nguyễn Thu Trang (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về một trải nghiệm rất tệ khi nghe theo lời một KOL đi ăn nhà hàng xuất hiện trong video review. “Mình là một người hay bị dị ứng với các thành phần trong thức ăn thế nên mình rất kén chọn điểm ăn uống. Mình cũng hay phải tiếp khách hàng ở bên ngoài nên việc tìm kiếm một không gian ẩm thực, nhà hàng sao cho phù hợp là điều cần thiết.

Nhờ các kênh review mình đã biết đến nhiều chỗ hơn. Tuy nhiên, trong một lần lựa chọn theo lời giới thiệu từ các video trải nghiệm, mình đã bị dị ứng khá nặng với hải sản mặc dù trước đó trong video giới thiệu của KOL mình không hề thấy nguyên liệu này được nhắc đến. Từ đó mình cảm thấy dè chừng hơn và cũng tìm kiếm nhiều thông tin hơn thay vì chỉ xem review”, Thu Trang chia sẻ.

Giới hạn nào cho một reviewer

Nguyễn Linh Chi (hay còn được gọi với biệt danh Chi Đỡi) là một người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội. Chi cho biết hiện có rất nhiều "cạm bẫy" review xuất hiện. Các KOL trẻ, non kinh nghiệm, bất chấp nhận quảng cáo và tâng bốc sản phẩm. Hay thậm chí, có những người trải nghiệm sản phẩm chưa đủ thời gian nhưng vẫn đưa ra các đánh giá chủ quan khiến cho sản phẩm không đến được tay khách hàng có nhu cầu. Vì vậy việc chọn lọc thông tin có thể khó hơn cho người mua hàng.

“Là một người làm nội dung trên các nền tảng và cũng đã tham gia vào mảng review này mình nhận thấy để làm ra được một video trải nghiệm hoàn chỉnh và tốt nhất, mình mất từ 1-2 tháng để thử sản phẩm, so sánh đối chiếu nó với các loại khác, làm sao để sản phẩm đến đúng tay khách hàng phù hợp nhất. Mọi thứ không đơn giản chỉ là khen hay chê, đã là reviewer mình nghĩ phải đưa ra được đánh giá xác đáng cho sản phẩm, không vì lợi nhuận quảng cáo mà tâng bốc bừa. Mình cũng từng thấy có người bị rơi vào “bẫy” review rồi nên mình hiểu lời nói của mình có giá trị như thế nào”, Linh Chi chia sẻ.

Nguyễn Linh Chi (một KOL với hàng chục nghìn lượt theo dõi trên MXH) cho biết một video trải nghiệm bây giờ chỉ gói trong một phút nhưng đòi hỏi reviewer phải lên nội dung và chuẩn bị kịch bản trong một tuần mới xong. Trước đó, quá trình thử sản phẩm phải tốn đến cả tháng.

Cùng với ý kiến đó, Trang Bùi (Người mẫu, KOL tại TP HCM) bày tỏ quan điểm: “Để đánh giá được một sản phẩm và đưa thông tin đến cho công chúng, mình đã phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều. Bất kỳ sản phẩm nào không phù hợp hoặc có dấu hiệu kém chất lượng mình lập tức từ chối. Mình nghĩ giới hạn của một reviewer, người trải nghiệm sản phẩm, là tính khách quan và trung thực trong các đánh giá và nhận định. Các video trải nghiệm đang dần bị biến tướng và trở nên thiếu độ tin cậy. Đây là vấn đề thuộc về đạo đức của người làm review mà mình nghĩ mọi người luôn phải tôn trọng”.

Bên cạnh đó, Trang Bùi cho biết, người xem hiện nay đang có những dấu hiệu “bội thực” với các video trải nghiệm khen sản phẩm nên họ muốn KOL phải chê để tăng mức độ uy tín của mình. Thế nhưng, Trang mong rằng mọi người nên nhìn nhận bao quát hơn, tham khảo các nguồn review khác để có được cái nhìn toàn diện về sản phẩm định mua.

Đức Huy