Lắp hệ thống cảnh báo tự động, tai nạn đường sắt vẫn có thể xảy ra

M.DUY 16/10/2022 06:00

Ngành đường sắt đã đầu tư khoảng 200 tỉ đồng lắp đặt hệ thống tự động báo tàu đến gần tại 112 đường ngang. Đây được xem là giải pháp góp phần hạn chế tai nạn giao thông đường sắt tại những đường ngang nguy hiểm. Dù vậy, cảnh báo tự động cũng có nghĩa không có người gác. Vì thế, khi người dân thiếu ý thức chấp hành quy định thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao…

Nhân viên gác chắn đường sắt đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi đoàn tàu đi qua.

Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, ngành đường sắt đang triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị báo tàu đối với các đường ngang có gác, nhằm tự động báo cho nhân viên gác chắn tàu sắp đến để tác nghiệp đóng chắn kịp thời, đảm bảo an toàn. Với hệ thống này, tại các vị trí đường sắt giữa ga và đường ngang sẽ lắp đặt cảm biến; Vị trí lắp đặt phụ thuộc vào tốc độ chạy tàu cho phép trong khu gian (khoảng cách đường sắt giữa hai ga liền kề), nhưng phải đảm bảo thời gian tàu chạy qua cảm biến đến đường ngang tối thiểu là 120 giây.

Khi tàu chạy qua các cảm biến này, tín hiệu từ cảm biến sẽ thông qua đường cáp dọc đường sắt truyền về tủ điều khiển đặt tại đường ngang. Thiết bị tại tủ điều khiển sẽ tự động bật chuông trong nhà gác để báo cho nhân viên gác chắn biết 120 giây nữa có tàu đến. Nghĩa là thay vì phải ra đường ngang tự căn thời gian và “canh” tàu như hiện nay, nhân viên gác chắn chỉ ở trong nhà gác cũng biết ít nhất 120 giây nữa có tàu đến đường ngang và ra tác nghiệp.

Các thiết bị tại tủ điều khiển cũng tự động bật chuông kêu, đèn đỏ cảnh báo ở đường ngang để báo cho người tham gia giao thông đường bộ biết sắp có tàu đến và dừng lại trước đường ngang, không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời, phòng ngừa trường hợp nhân viên gác chắn quên hoặc thao tác ấn nút bật chuông đèn chậm.

Tính đến ngày 30/9/2022, mạng lưới đường sắt quốc gia có 1.510 đường ngang các loại. Trong đó, có 660 đường ngang có nhân viên gác chắn, 704 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 9 đường ngang cảnh báo tự động, 137 đường ngang biển báo. Tại các đường ngang có nhân viên gác chắn, các công ty bảo trì cầu đường đường sắt cho lắp đặt các camera tại đường ngang và trong nhà gác. Các hình ảnh từ camera được truyền về trung tâm giám sát đặt tại công ty.

Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế mới bố trí được 200 tỉ đồng, để triển khai lắp đặt tại 112 đường ngang có gác. Đối với các đường ngang còn lại, Cục Đường sắt Việt Nam đang kiến nghị năm 2023 bố trí 560 tỉ đồng để triển khai thực hiện đối với 282 đường ngang có gác. Năm 2024 sẽ thực hiện nốt với các đường ngang còn lại.

Việc triển khai lắp đặt sẽ ưu tiên các đường ngang trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí đường ngang có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai lắp đặt 112 hệ thống, tiến độ cuối năm 2022 phải hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo tính toán, kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống tại một đường ngang lớn, khoảng 1,6-1,8 tỉ đồng. Sau khi đưa vào vận hạnh hệ thống thiết bị này sẽ giảm thiểu nhiều yếu tố rủi ro từ chủ quan con người.

Tuy vậy, trên thực tế đường ngang có cảnh báo tự động vẫn còn những bất an. Theo hình ảnh được camera giám sát tại đường ngang Km 273+500 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ghi lại (ngày 7/10), cần chắn đang hạ xuống, một người lái chiếc xe tải vẫn cố vượt qua. Hệ quả chiếc xe bị kẹt lại trong khu vực đường ngang. May mắn là nhân viên gác chắn tại đường ngang gần đó đã kịp phát hiện, nhanh chóng trợ giúp và ra tín hiệu dừng tàu. Tai nạn không xảy ra. Nguy hiểm là vậy, nhưng những tình huống như vậy vẫn xảy ra tại nhiều nơi.

Chỉ tính riêng địa bàn do Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội quản lý, trong 9 tháng qua, đã có 176 vụ phương tiện đâm gãy cần chắn khi cố vượt đường ngang.

Giới chuyên gia giao thông cho rằng, hệ thống cảnh báo kết hợp cần chắn tự động được đầu tư lắp đặt tại những đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Và đã là cảnh báo tự động cũng có nghĩa không có người gác. Vì thế, khi người dân thiếu ý thức chấp hành quy định thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Để khắc phục tình trạng này, đường sắt đã thí điểm lắp đặt thêm hệ thống rada phát hiện chướng ngại vật. Khi đoàn tàu cách đường ngang 2,5km, hệ thống sẽ tự động kích hoạt. Trong trường hợp có xe ô tô gặp sự cố, không thể di chuyển qua đường ngang, hệ thống sẽ kích hoạt tín hiệu dừng tàu. Người lái tàu có đủ thời gian hãm phanh để tránh tai nạn.

Đến nay, hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật tại đường ngang này đã thí điểm được hơn 4 năm và hoạt động luôn ổn định. Tuy nhiên, vì là dự án thí điểm nên để có thể nhân rộng cần được xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đây là việc làm cần thời gian. Thế nhưng, một khi mô hình này chưa được triển khai rộng rãi thì những vụ tai nạn như thế này vẫn có thể xảy ra ngay tại đường ngang được lắp đặt hệ thống cảnh báo kết hợp cần chắn tự động.

M.DUY