Kỳ Anh: Phát huy tốt công tác dân vận khéo trong thực hiện 'Cuộc vận động Dồn điền, đổi thửa'

02/11/2022 09:00

Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện cuộc vận động, đến nay, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã đạt những thành tựu đáng kể.

Phát huy tốt công tác dân vận khéo trong thực hiện "Cuộc vận động Dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng có diện tích lớn” tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh.

Kiên trì công tác dân vận

Ngày 18/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Đối với huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Văn nếu được triển khai tổ chức thực hiện tốt sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Cánh đồng lúa tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh.

Bước đầu vào triển khai thực hiện chủ trương này gặp không ít khó khăn, nhất là việc thay đổi tư duy, tập quán, thậm chí là lợi ích của một số người dân. Bà con nhân dân vẫn có tư tưởng giữ đất, giữ ruộng, những hộ gia đình canh tác những vùng có điều kiện sản xuất thuận tiện, gần đường, gần nhà nên không muốn xáo trộn. Tư tưởng lấy sản lượng, mức ăn để cân đối chia lại ruộng để đảm bảo công bằng...

Trong khi đó, theo chủ trương của Đảng và pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn chia lại ruộng, mà đây là thực hiện cuộc vận động dồn điền đổi thửa theo hình thức tự nguyện... Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân.

Việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng để có cách làm, bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện theo từng địa bàn... Xác định khó khăn này nên Ban Thường vụ Huyện uỷ Kỳ Anh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó Bí Thư Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp cùng với xã Kỳ Văn kiên trì vận động trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tổ chức thực hiện.

Với 4 cuộc họp chi bộ, 10 cuộc họp tiểu ban, 16 cuộc họp dân (kể cả chung toàn thôn và họp riêng từng nhóm hộ gia đình); những trường hợp khó khăn thì cấp ủy, mặt trận thôn trực tiếp vận động, những trường hợp cá biệt thì các đồng chí BTV Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND - MTTQ trực tiếp tuyên truyền vận động, thuyết phục.

Việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng để có cách làm, bước đi hợp lý...

Trong đó phải trình tự thực hiện các quy trình công tác dân vận đó là: (1) Quán triệt chủ trương, kế hoạch của cấp trên trong toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; Họp chi ủy, Chi bộ, họp dân thống nhất chủ trương tổ chức thực hiện.

(2) UBND xã hướng dẫn Xây dựng quy hoạch, thiết kế đồng ruộng, tổ chức xin kiến đóng góp trong BCH đảng bộ, cán bộ cốt cán; xin ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo huyện và các phòng ban chuyên môn ở huyện phê duyệt.

(3) Tổ chức họp dân thông qua phương án quy hoạch đồng ruộng, phương án ghép thửa lấy ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đảm bảo sự đồng thuận, ký kết biên bản thống nhất.

(4) Chi bộ, Ban cán sự thôn xin ý kiến nhân dân thành lập tiểu ban thực hiện và Tổ chức cải tạo mặt bằng đồng ruộng, xóa bỏ bờ thửa, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu, hệ thống đường nội đồng.(5) Tổ chức chia ruộng cho nhân dân theo nội dung, nguyên tắc đã thống nhất tiếp tục cải tạo sản xuất.

Những "quả ngọt"

Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện cuộc vận động, đến nay đã hoàn thành và đạt những kết quả rất quan trọng. Từ tổng diện tích 51,8 ha với 786 thửa của 262 hộ gia đình, bình quân mỗi hộ gia đình 3 thửa, cá biệt có hộ 10 thửa. Sau khi thực hiện chỉ có 89 ô lớn, có ô 3,5 đến 4 ha, mỗi hộ gia đình canh tác trên một thửa (có thửa 3,5 – 4 ha).

Đồng ruộng được cải tạo bằng phẳng, hệ thống kênh mương và đường giao thông được quy hoạch lại thuận tiện cho tưới tiêu và tổ chức sản xuất. Toàn bộ diện tích trong 2 vụ được sản xuất với 2 giống lúa là ND502 và BQ liên kết với Công ty giống cây trồng Hà Tĩnh năng suất lúa bình quân các vụ sản xuất 61 tạ/ha. Trong khi đó, bình quân chung sản xuất của người dân trước đây chỉ 52 tạ/ha. Năng suất chất lượng sản phẩm và thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Tiến Điền, Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Văn chia sẻ: “Với chủ trương đúng và cách làm kiên trì, quyết liệt, linh hoạt, đến thời điểm này chúng tôi rất vui mừng, phẩn khởi với những kết quả đạt được, bà con nhân dân rất tự hào với sản phẩm, kết quả của chính mình.

Ngoài tăng năng suất, trong quá trình sản xuất còn tiết kiệm chi phí trong các khâu làm đất, thu hoạch, tưới tiêu. Do bờ vùng, bờ thửa được quy hoạch, đắp to hơn nên giữ nước trên đồng ruộng lâu hơn, ruộng ko bị mất nước; hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng được quy hoạch bài bản nên rất thuận tiện cho thu hoạch và tưới tiêu, người dân dễ dàng canh tác...

Đến với Kỳ Văn, chúng tôi tự hào với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay khi vào vụ mà từ trước nay chúng tôi chưa dám mơ ước. Mô hình này của chúng tôi hiện nay đón rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập”.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc

Từ những kết quả bước đầu trong những thành tựu đạt được, có thể rút ra được một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Tổ chức quán triệt sâu sắc chủ trương Nghị quyết của Đảng, tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân, mà trước hết các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ và ban cán sự thôn phải dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu, dám hy sinh quyền lợi ích cá nhân nếu thấy cần thiết.

Thứ hai: Phát huy dân chủ ở cơ sở, tất cả mọi việc, mọi khâu tổ chức thực hiện phải thận trọng, bài bản và được người dân đóng góp ý kiến xây dựng.

Thứ ba: Làm tốt công tác dân vận, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên. Kiên trì vận động, luôn luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân; những việc khó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm; những hộ gia đình khó khăn, chưa thống nhất chúng tôi đề xuất các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên gặp gỡ, phối hợp trao đổi.

Thứ tư: Phải thống nhất và tập trung cao sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng điều hành tập trung, thống nhất, xử lý và giải quyết linh hoạt, kịp thời, đúng nguyên tắc của Ban Chỉ đạo xã về những kiến nghị của nhân dân và Ban dồn điền của thôn. Phân công rõ trách nhiệm cho từng đồng chí. Phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm cho nhân dân hiểu rõ dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho chính bản thân và gia đình họ.

Tin tưởng! Với kết quả bước đầu này sẽ mở ra cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích, hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh như tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.

Trần Thành Nam - Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh