Phím đàn lưu giữ điệu hồn Ngũ Cung

PHẠM NGỌC HÀ 23/11/2022 07:18

Tiếng đàn tranh phát ra từ căn nhà nhỏ trên phố Hàng Nón (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở nên quen thuộc mỗi ngày, bởi đó là nơi sinh sống của NSƯT - nghệ nhân Phạm Chí Khánh, người luôn đau đáu với âm nhạc Ngũ Cung. Ông mong thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường được học về âm nhạc Ngũ Cung để nắm được gốc rễ, nguồn cội của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

NSƯT - nghệ nhân Phạm Chí Khánh cùng cây đàn tranh yêu thích của ông.

Có duyên với âm nhạc Ngũ Cung

Với những người không chuyên về nhạc lý dân tộc thì chắc có lẽ khi nghe đến âm nhạc Ngũ Cung nhiều người sẽ cảm thấy lạ lẫm. Nhưng với NSƯT Phạm Chí Khánh, âm Ngũ Cung đối với ông dường như đã trở thành một phần không thể thiếu khi làm nhạc cụ. Ông cho rằng: “Có nắm vững được nhạc lý mà ông cha truyền lại thì mới có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị sống của các loại nhạc cụ dân tộc”.

Theo cha là nghệ nhân Phạm Chí Dương (vốn là người chế tác đàn nổi tiếng ở đất Hà Thành xưa) học nghề từ nhỏ, NSƯT Phạm Chí Khánh là thế hệ được thừa hưởng truyền thống của gia đình từ những năm 1970 cho đến nay. Cha ông trước kia thường đi biểu diễn theo các gánh hát, về sau khi gánh hát được nâng cấp lên thành các đội văn nghệ nhà nước thì chuyển về nhà để sản xuất và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống.

Có duyên sớm được tiếp xúc với âm nhạc và các loại nhạc cụ dân tộc, tuổi thơ của NSƯT Phạm Chí Khánh là những ngày theo cha chơi đàn cho các buổi diễn tuồng, chèo, cải lương... ở khắp các địa phương. "Ngày ấy, tôi ăn ngủ bên đàn, cứ hễ nghe thấy tiếng đàn là máu nghệ thuật trong người tôi lại trỗi dậy...", NSƯT Phạm Chí Khánh tâm sự. Sau này khi lớn khôn, năm 1979 ông theo học tại khoa Tuồng hệ trung cấp 4 năm của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Đến năm 1983, ông tốt nghiệp rồi làm việc tại Nhà hát Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho đến tháng 9/2022.

Nhờ quá trình học tập cùng nhiều năm công tác tại nhà hát, NSƯT Phạm Chí Khánh có cơ hội được đi biểu diễn tại các vùng miền khác nhau, giúp ông có cơ hội sưu tầm các loại nhạc cụ của nhiều dân tộc. Sau nhiều năm gắn bó với Nhà hát Tuồng và làm nhạc cụ, được học hỏi và tìm hiểu thêm về nguồn gốc của âm nhạc truyền thống, người nghệ sĩ ấy luôn khắc ghi trong mình những nốt nhạc Ngũ Cung – linh hồn để tạo ra nhạc cụ dân tộc. Hiểu tận gốc âm nhạc mà người xưa để lại chính là nền tảng cực kỳ quan trọng để người nghệ sĩ phục dựng và chế tác ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

“Âm nhạc Ngũ Cung của Việt Nam là âm ngũ hành 5 cung cho nên tất cả các phím đàn chia bình quân thành 5 âm. Đó là điểm khác biệt so với âm nhạc thế giới, kể cả khi đặt ra so sánh từng nốt nhạc sẽ thấy sự khác nhau về độ cao thấp”, NSƯT Phạm Chí Khánh nói. Bởi vậy mà khi sử dụng nhạc cụ thế giới như Piano, Organ,... để chơi cho những buổi biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ca Huế... thì không thể hoà hợp. Theo NSƯT Phạm Chí Khánh, chuẩn âm quốc tế thường đánh theo dàn nhạc nên khi đánh vào dòng nhạc truyền thống Việt Nam chỉ trúng được một vài nốt, nốt chủ âm giống nhau nhưng các nốt còn lại thường khác nhau. Duy chỉ có cây đàn guitar nhưng phải khoét lõm mới có thể lấy được âm Re, La để tạo nốt rung cao, ứng với những câu hát âm rung dài trong các làn điệu truyền thống.

Chính vì lẽ đó mà để làm ra một loại nhạc cụ dân tộc không hề đơn giản bởi nó không chỉ là những mảnh gỗ, dây nilon ghép lại với nhau mà phải là sự kết hợp của trí óc, cái tâm, cái tình của người nghệ nhân đặt vào trong đó, dồn sức thì mới tạo ra được những loại nhạc cụ đặc sắc cho từng thể loại nghệ thuật biểu diễn khác nhau.

Một số loại nhạc cụ được trưng bày tại nhà NSƯT - nghệ nhân Phạm Chí Khánh.

Miệt mài truyền cảm hứng

Nhạc cụ truyền thống Việt Nam không xây dựng trên khuông 5 dòng kẻ, 7 nốt nhạc của thế giới mà được tạo ra bởi 5 âm “Hò, Xự, Xang, Xê, Cống”, nên phải là người am hiểu và tinh tường lắm mới có thể nghe trúng nốt của từng dây để điều chỉnh sao cho phù hợp với từng loại nhạc cụ... Chính vì vậy nên để hoàn thiện được một sản phẩm nhạc cụ hoàn chỉnh cần phải sử dụng nhiều công sức.

Từ việc tuyển chọn nguyên vật liệu, thi công mẫu mã, kéo dây,... cũng đã ngốn của người nghệ nhân vài ngày, thậm chí là vài tháng trời. Theo nghệ nhân Phạm Chí Khánh: “Nhạc cụ truyền thống thường được làm bằng gỗ ngô đồng. Đây là loại gỗ xốp, có tiếng vang, không mối mọt, không cong vênh, dùng để làm mặt đàn sẽ tạo ra âm thanh và âm sắc khác biệt so với các loại đàn trên thế giới. Những ống gỗ phải khô kiệt thì mới làm được đàn, tiếng mới hay và chuẩn.

Khi lên dây cần có một mẫu chính. Phím đàn thường làm bằng tre, có độ cao để tạo rung nhấn, tạo chất nhạc. Nếu so sánh với đàn guitar của thế giới thì phím guitar khá nông nên chỉ lên được nửa cung nhưng đàn của Việt Nam có thể bấm lên 3, 4 cung, chạm quãng năm. Để rung nhấn ra âm sắc bắt buộc phải làm phím đàn cao thì mới ra được chất của nó”. Cây đàn mộc mạc sau khi được làm xong được mang đi đánh nhẵn rồi khảm trai. Khi khảm có thể tạo hình hoa văn theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông... rồi mới đến công đoạn đánh vecni cho đàn được sáng bóng.

Điều quan trọng nhất khi làm nhạc cụ là phải hiểu được đặc tính và công dụng của từng cây đàn sử dụng vào công việc gì.

“Ví dụ như đàn nguyệt để diễn chèo, lấy âm thanh mỏng. Cải lương, tuồng, bài chòi phải lấy âm cao. Đàn nhị kéo chèo tiếng thổ pha kim, tuồng và cải lương ngược lại kim pha thổ. Nhị của chèo bao giờ tiếng trầm nhiều hơn tiếng cao. Giống như con người có người giọng trầm, cao.... Đàn đáy có cần dài để lấy gân trùn để ra chất ca trù. Nếu chơi bằng các loại nhạc cụ khác để hát ca trù thì không ra chất liệu của điệu hát. Dây dài nhưng giữa cần mới gắn phím để dây có độ rung dài thì mới gân trùn được”, nghệ nhân Phạm Chí Khánh chia sẻ.

Nhờ việc hiểu rõ âm điệu của Ngũ Cung nên các phím đàn của nghệ nhân Phạm Chí Khánh gần như lúc nào cũng đúng với âm độ.

Bởi vậy mà hơn nửa thế kỷ qua ngày nào ông cũng miệt mài với những chiếc đàn dân tộc, với ông “âm nhạc và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam là những viên ngọc quý hiếm. Không chỉ riêng mình tôi mà những người có máu nghệ thuật đều phải có trách nhiệm đưa vốn quý đó giới thiệu đến công chúng, đến bạn bè quốc tế. Văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc không phân biệt tầng lớp mà nó dành cho tất cả mọi người”.

Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, âm nhạc hiện đại lên ngôi thì các làn điệu và nhạc cụ dân tộc truyền thống ngày càng mất đi vị trí độc tôn, không còn thu hút được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Đứng trước nguy cơ bị mai một, người nghệ nhân cũng không thể kìm lòng trước hiện thực cuộc sống.

Nỗi lòng của người giữ hồn nhạc cụ luôn lo nghĩ cho thế hệ mai sau: “Tôi chỉ có một mình thì không thể mang kiến thức đi truyền dạy cho nhiều người. Vì vậy tôi mong thế hệ trẻ sẽ được học về các loại nhạc cụ dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học về âm nhạc Ngũ Cung để nắm được gốc rễ, nguồn cội của âm nhạc truyền thống Việt Nam”, nghệ nhân Phạm Chí Khánh tâm tư.

NSƯT - nghệ nhân Phạm Chí Khánh sinh năm 1962 là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi hiện vẫn đang truyền cảm hứng về tình yêu cháy bỏng với cổ nhạc Việt Nam đến thế hệ trẻ, không chỉ bằng lời ca hay tiếng đàn mà còn bằng cả trái tim.

Ngôi nhà nhỏ của ông trên phố Hàng Nón được ví như một “bảo tàng thu nhỏ” về nhạc cụ truyền thống hiện đang lưu giữ khoảng 150 loại nhạc cụ khác nhau. Có thể kể đến như: trống, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn cò, đàn then, đàn đáy, đàn sến, đàn T’rưng, tù và, mõ trâu... cùng rất nhiều loại nhạc cụ khác cần được gìn giữ và bảo tồn.

Ngũ Cung là một âm giai với 5 nốt nhạc trong mỗi quãng tám. Ngũ Cung trong âm nhạc giúp bài hát có thể chuyển tải dễ dàng màu sắc dân tộc với sự kết hợp các nhạc cụ truyền thống như: Đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc… Theo nhiều tài liệu, người Việt đem cả những tâm tư triết lý sống vào 5 âm này. Cụ thể, 5 âm gồm: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống tương ứng với Sol, La, Đô, Rê, Mi. Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng Ngũ Cung tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Âm nhạc Ngũ Cung mang đến sức hút không chỉ vì nhạc cụ truyền thống mà còn là việc kết hợp các yếu tố duy tâm về Ngũ Hành.

PHẠM NGỌC HÀ