Tháo nút thắt về chính sách cho đất nông nghiệp

Lê Bảo 15/03/2023 09:08

Luật Đất đai sửa đổi cần tạo thuận lợi cho tích tụ đất nông nghiệp, cho phép các doanh nghiệp, đơn vị công lập, công ty nông lâm nghiệp… được tự chủ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp để liên doanh, liên kết sản xuất.

Nới thời hạn thuê đất nông nghiệp

Theo ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, Luật Đất đai 2013 triển khai 10 năm và đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, trong đó, cần thể chế hóa các quy định về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) phải giữ được đất, trồng cây gây rừng. “Phải tăng lên về hạn mức giao đất, cho thuê đất mới có thể triển khai đầu tư quy mô lớn trong nông nghiệp, nếu giao nhỏ lẻ, manh mún 5ha, 10ha hay 30ha không thể “cởi trói” được cho doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn” - ông Báo nói.

Theo ông Báo, Luật cũng cần thể chế hóa nội dung đất sử dụng cho các dự án, công trình nông nghiệp. Nếu làm công nghiệp có thể thuê đất trong khu công nghiệp, nhưng chế biến nông sản không thể đặt nhà máy chế biến trong khu công nghiệp được, vì trong đó có bụi mịn, hóa chất… ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp chế biến, không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các đơn vị chế biến nông sản phải được đặt ở giữa khu vực nông nghiệp, tránh xa khu dân cư…

Ông Cao Văn Tấn - đại diện những hộ nông dân tại tỉnh An Giang chia sẻ, người dân muốn tăng hạn điền lên 15 - 20 lần để đủ điều kiện đầu tư phát triển nông nghiệp, nhưng chưa được hỗ trợ trong tích tụ ruộng đất, dẫn tới kém cạnh tranh về giá thành sản phẩm. “Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn” - ông Tấn nói.

Tháo nút thắt về chính sách sử dụng đất nông nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ đã thành lập Tổ công tác để rà soát, góp ý dự thảo Luật. Hiện Tổ công tác đã thu nhận được 70 ý kiến bằng văn bản. Nhiều nội dung góp ý đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính liên quan đến ngành nông nghiệp như: Luật Đất đai và luật chuyên ngành sau này sẽ áp dụng như thế nào; chế độ quản lý và sử dụng đất lúa; trong đó có tích tụ tập trung đất đai, bồi thường…

Để tháo nút thắt về chính sách sử dụng đất nông nghiệp, TS Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu vấn đề, hiện nay, các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương phần lớn hoạt động khó khăn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của địa phương, chưa thực hiện được chức năng tạo quỹ đất phát triển theo quy hoạch, kế hoạch do vướng mắc về cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế về tài chính.

Để tháo gỡ vấn đề này, cần tạo ra loại hình “ngân hàng quyền sử dụng đất nông nghiệp” nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai, thúc đẩy hình thành thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh.

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nên có chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, nhưng mức độ khuyến khích không cao bằng hình thức tập trung. Thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp chung như bất động sản khác hiện đang là tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Đề xuất giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp.

“Cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm gặp khó khăn trong huy động vốn từ đất đai. Do đó nên tăng chu kỳ trả tiền từ hàng năm thành từ 5-10 năm/lần và cho phép thế chấp quyền sử dụng đất để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng” - ông Thắng góp ý.

Lê Bảo