Họa sĩ Đỗ Phấn: Thứ họa sĩ theo đuổi chưa bao giờ là sự khéo léo của một cỗ máy

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 13/05/2023 07:18

Trí tuệ nhân tạo chẳng có liên quan gì đến hội họa và các nghệ sĩ tạo hình. Bởi thế cho nên nó chỉ có thể đại diện cho mình nó mà thôi. Họa sĩ không cần đến nó nếu như không định sáng tác ra những sản phẩm AI.

PV: Thưa họa sĩ Đỗ Phấn, ông bình luận gì về tác phẩm “Théâtre D'opéra Spatial” được người dùng Jason Allen ở Mỹ tạo ra, và được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số trong một hội chợ nghệ thuật ở bang Colorado (Mỹ)?

Họa sĩ Đỗ Phấn.

Họa sĩ ĐỖ PHẤN: Nếu ta chiêm ngưỡng bức tranh bằng con mắt của nghệ thuật tạo hình thì sẽ cảm nhận được độ vô hồn của tác phẩm. Nó chỉ đơn thuần là những thao tác kĩ thuật đơn lẻ mà con người từng làm được đem gom góp lại trong một tổng hòa mới. Điều này với hội họa là không đáng bận tâm.

Bởi vì ngay ở Việt Nam cũng từng có những họa sĩ chuyên và không chuyên áp dụng một trong những kĩ năng IT để làm ra bức tranh của mình. Bằng cách phóng một bức ảnh chụp lên canvas sau đó tô màu đè lên để tạo hiệu ứng có bàn tay người vẽ tham gia. Cao hơn một bậc nữa, vài họa sĩ vẽ ngay bằng phần mềm đồ họa trước khi in chúng lên canvas. Sau đó chỉ phải gia công thêm ít nhiều là đã có thể hoàn thành bức vẽ.

Những bức vẽ loại này cũng khiến giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tiếp xúc rất dè dặt. Đa số cho rằng người làm chúng không đủ nghề để sáng tạo. Nhưng biết làm sao được. Nghệ thuật là của muôn người. Sáng tạo kiểu này vẫn có khán giả của nó. Ta không thể quy định lượng khán giả của AI là thấp hay cao hơn khán giả của hội họa. Như đã từng không thể quy định khán giả của dòng nhạc thính phòng phải đông hơn khán giả dòng nhạc bolero…

Vậy trong tư cách họa sĩ, ông có lo ngại các ứng dụng AI sẽ lấy đi khá nhiều công việc của giới họa sĩ?

- Không hề, như tôi đã nói ở trên thì họa sĩ thực thụ không mấy ai quan tâm đến những thao tác của trí tuệ nhân tạo. Họ không dùng nó. Thậm chí còn chẳng cần biết nó làm được những gì. Bởi vì họ có niềm tin vào trí tuệ và tình cảm của con người được thể hiện trực tiếp qua bàn tay họ. Thứ mà suốt đời họ theo đuổi. Thứ mà một họa sĩ theo đuổi chưa bao giờ là những thao tác khéo tay của anh thợ vẽ chứ đừng nói đến chuyện khéo léo của một cỗ máy.

Theo ông, AI sẽ có thể thay thế họa sĩ ở khía cạnh nào? Và không thể thay thế ở khía cạnh nào? Nói cách khác, đâu là chỗ AI có thể và nên thay thế họa sĩ, đâu là vùng không bao giờ thay thế được?

- Một cách ngắn gọn thì AI thay thế họa sĩ được ở công việc sáng tác ra những sản phẩm AI. Nó chẳng có liên quan gì đến hội họa và các nghệ sĩ tạo hình. Bởi thế cho nên nó chỉ có thể đại diện cho mình nó mà thôi. Họa sĩ không cần đến nó nếu như không định sáng tác ra những sản phẩm AI.

Sự phát triển của AI, theo ông, có phát ra một lời cảnh báo nào đối với các họa sĩ?

- Không bao giờ. Bởi vì tiêu chí của nó chưa bao giờ nhắm đến hội họa. Nó có quyền tồn tại và phát triển nhưng chẳng đưa ra một cảnh báo nào với bất cứ ai làm nghệ thuật tạo hình.

Ông có thể chỉ ra những điểm khác biệt giữa sản phẩm mỹ thuật và tác phẩm mỹ thuật?

- Tôi từng nói nhiều lần trên truyền thông rằng nền nghệ thuật tạo hình non trẻ của chúng ta nên khiêm tốn nhìn nhận tác phẩm của mình mới chỉ ở tầm sản phẩm nghệ thuật mà thôi. Không phải tất cả nhưng phần lớn tác phẩm nghệ thuật của chúng ta mới chỉ dừng ở chỗ tạo được mĩ cảm tốt cho người xem nếu như nó thành công. Nếu chưa thành công thì tôi e rằng nó còn ở dưới cả mức một sản phẩm mĩ thuật.

Ông có lo ngại rằng, về lâu dài, những sản phẩm mỹ thuật do AI tạo ra sẽ khiến cho công chúng hiểu sai đi - hoặc hiểu dễ dãi hơn - về tác phẩm hội họa do các họa sĩ sáng tạo ra?

- Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng lo ngại thì không. Bởi vì công chúng ở ta bây giờ đã có nhiều nguồn thông tin kiểm chứng. Rất khó để dẫn dắt họ đi vào những mặc định về thẩm mĩ. Kể cả những giá trị đã được định hình. Những thứ mới mẻ vẫn cần một khoảng thời gian khá dài để làm quen với thị hiếu công chúng. Nghệ thuật của các bậc thầy Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương cũng phải mất đến non một thế kỉ mới tạm được công nhận như ta thấy hôm nay.

Ở một khía cạnh khác, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dựa theo các yêu cầu của người dùng, rồi học theo phong cách đặc trưng của nhiều họa sĩ, để tạo ra những bức tranh giống như chính họ sáng tác. Vậy, có xảy ra câu chuyện bản quyền mà các họa sĩ cần phải đối phó không, thưa ông?

- Tôi chắc chuyện này khó xảy ra. Nếu một họa sĩ được coi là thành công thì sự nghiệp của họ không quá khó để làm một bản tổng kết cụ thể chi tiết từng tác phẩm. Những thứ thêm vào muốn được công nhận còn cần phải có một bản lí lịch đủ dày và tin cậy. Điều này là bất khả thi với trí tuệ nhân tạo. Thậm chí trí tuệ người thật cũng khó lòng vượt qua được con mắt của công chúng.

Và theo tôi biết thì những tác phẩm hội họa AI hiện vẫn đang tồn tại ở dạng phi vật thể là chính. Một số được chế biến ra thành tranh sơn dầu hẳn hoi thì cũng chẳng khó khăn gì để đọc ra cái phần kĩ thuật lấn át tình cảm. Chính nó là cái phần làm nên những “tác phẩm” AI.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Thu Phố (thực hiện)