Chạy chữa nhiều năm thất bại, có những cặp vợ chồng gần như tuyệt vọng vì không biết tới khi nào mới đủ tiền để điều trị hiếm muộn. Thật may hi vọng mới đã mỉm cười với họ.
Tối 24/6, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức lễ “Công bố và trao quyết định: 10 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí khác” cho các trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện, đã nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2023.
Các gói hỗ trợ có thể kể đến như: Miễn 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 10 gia đình; Miễn phí 20 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền: Thận đa nang, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, Thalassemia, Hemophilia, teo cơ tủy… và một số bệnh lý hiếm khác (không giới hạn số lượng phôi); Miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - MicroTESE có giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca; Miễn phí 10 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung có giá trị tương đương 14 triệu đồng/ca; Miễn phí 20 ca nuôi cấy, theo dõi phôi bằng hệ thống tự động - Timelapse (tối đa 16 phôi); Miễn phí 50 ca Thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); Miễn phí 20 ca sử dụng dịch vụ IVF trị giá 30 triệu đồng gồm tiền: Chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi (ngày 3)...
Có mặt tại buổi lễ, các gia đình nhận hỗ trợ IVF miễn phí đã chia sẻ hoàn cảnh của mình. Mỗi gia đình là một câu chuyện, dù khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn mà kinh tế là rào cản lớn. Sự hỗ trợ của Bệnh viện đã kịp thời tiếp sức cho họ.
Đó là trường hợp gia đình chị Hồ Thị Chính và anh Lê Đức Huy (Gio Linh, Quảng Trị), kết hôn từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có con. Gia đình khó khăn, vợ chồng chị Chính sinh sống bằng nguồn thu nhập từ công việc làm thuê - cạo mủ cao su (cạo 1.000 gốc được trả công 300.000 đồng) và đồng lương ít ỏi của anh Huy ở xã (hơn 2 triệu đồng/ tháng). Không những khó khăn về kinh tế, hoàn cảnh chị Chính cũng đầy thương cảm khi là em út trong gia đình có 3 anh chị bị nhiễm chất độc da cam (2 người đã qua đời).
Hay gia đình chị Võ Thị Giang (1996) và anh Nguyễn Thế Hòa (1986), quê Bắc Giang: Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, kinh tế phụ thuộc vào nghề nông nghiệp trồng cây là chính. Vợ chồng anh Hòa là con út, ở cùng với bố mẹ già yếu hay ốm đau. Bố anh Hòa là Đảng viên, thương binh và hiện tại đang mắc bệnh hiểm nghèo - Ung thư đại tràng. Bên cạnh chi phí trang trải cuộc sống, vợ chồng anh chị còn phải lo thêm chi phí chữa bệnh cho bố...
Năm nay, ngoài 10 gia đình được chọn vào danh sách miễn 100% chi phí IVF, sau khi đánh giá và xem xét thêm trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội đồng chuyên môn Bệnh viện quyết định trao tặng thêm 1 gói hỗ trợ, nâng tổng số gia đình nhận hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF năm 2023 lên 11 gia đình. Đó là trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (1987) và Đinh Quang Tài (1985), quê ở xã Lâm Trung Thủy - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra trong một ra đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố anh Tài tham gia kháng chiến và chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam, 2 người anh của anh Tài đã mất do bị di chứng của chất độc hóa học. Hai vợ chồng anh Tài cũng bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn. Hiện tại vợ chồng anh chị sống cùng bố mẹ trong căn nhà nhỏ được xây dựng cơi nới nhờ vào chi phí họ hàng giúp đỡ. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiền trợ cấp gần 5 triệu đồng/ tháng do Nhà nước hỗ trợ...
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ: Hành trình tìm con của các gia đình hiếm muộn là những hành trình dài với vô vàn khó khăn, cả về tinh thần lẫn điều kiện kinh tế. Có những gia đình đã chạy chữa, mong con hàng chục năm hoặc có thể lâu hơn nhưng vẫn chưa thành công, nhiều cặp vợ chồng buộc phải dừng lại việc điều trị vì áp lực kinh tế đè nặng.
Thấu hiểu điều đó, hằng năm Bệnh viện luôn mở rộng các gói hỗ trợ chi phí với mong muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài 10 gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bệnh viện còn trao tặng rất nhiều gói hỗ trợ khác cho các gia đình hiếm muộn với mong muốn nối dài cánh tay yêu thương, giúp các gia đình hiếm muộn chạm gần hơn tới giấc mơ bế bồng con yêu.
Hàng nghìn em bé ra đời mỗi năm nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện chính là động lực to lớn để đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện ngày càng nỗ lực hơn nữa trên hành trình kết nối yêu thương - ươm mầm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn”.
Trước đó, Bệnh viện nhận hồ sơ xét duyệt các gói hỗ trợ từ ngày 19/4 - 14/5/2023. Sau gần 1 tháng triển khai, đã có hàng trăm hồ sơ đăng ký xét duyệt của các cặp vợ chồng đến từ khắp các địa phương trên cả nước gửi về. Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã làm việc công tâm và xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp. Cán bộ chuyên trách của Bệnh viện đã có các chuyến khảo sát, thẩm định thực tế tại từng gia đình nộp hồ sơ xét duyệt IVF miễn phí để đảm bảo công bằng, thiết thực và nhân văn.
10 trường hợp IVF miễn phí được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…), tương đương 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ.
Thông tin từ Bệnh viện cho biết, đây là năm thứ 5 liên tiếp Bệnh viện triển khai hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong các ca được IVF miễn phí từ năm 2019 đến nay, 90% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh với 46 em bé chào đời, các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ, theo dõi, hỗ trợ sát sao từ Bệnh viện.