Trước băn khoăn của nhiều người về chi phí đào tạo một tiến sĩ sẽ được hỗ trợ ở mức hơn 1,3 tỷ đồng/người theo Đề án 12 nghìn tỷ đồng chi cho đào tạo 9.000 tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT đề xuất, nhiều chuyên gia cho rằng không thể làm một phép tính cơ học để chia số tiền đó cho 9.000 TS. Bởi sẽ có những trường hợp chỉ được hỗ trợ kinh phí một phần, có trường hợp được hỗ trợ kinh phí toàn bộ. Hoặc chi phí đào tạo ở các quốc gia khác nhau cũng không giống nhau.
Vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao luôn cần thiết cho đất nước. Nguồn: sggp.vn.
Theo Đề án 12 nghìn tỷ đồng dự kiến để đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS) mà Bộ GD&ĐT đề xuất, chi phí đào tạo một TS sẽ được hỗ trợ ở mức hơn 1,3 tỷ đồng/người. Câu hỏi đặt ra là chi phí này là nhiều hay ít, và so với mặt bằng đào tạo TS trong nước và quốc tế ra sao?
Những bất hợp lý
GS.TS Hoàng Đức Thân- viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao luôn cần thiết cho đất nước cả hiện nay và trong tương lai. Việc đào tạo ở đâu, như thế nào, đào tạo ở quốc gia nào thì chi phí đào tạo sẽ khác nhau. Không nên đặt vấn đề đắt hay rẻ trong đào tạo TS mà phải là chi phí đào tạo có tương ứng với chất lượng đầu ra, hiệu quả đóng góp sau đào tạo hay không.
Theo GS Thân, hiện nay Bộ GD&ĐT đã chính thức khẳng định kinh phí 12 nghìn tỷ đồng này không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở đào tạo. Đây là cách làm đúng đắn, với mục tiêu cụ thể là đầu tư trực tiếp theo dạng học bổng cho nghiên cứu sinh thay vì nhập nhèm trong việc phân bổ kinh phí đó đi đâu, như thế nào hoặc cho các khâu gián tiếp không ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng đào tạo.
“Việc phân bổ kinh phí làm sao để nghiên cứu sinh được thụ hưởng trên nền tảng nghiên cứu tốt nhất cho nghiên cứu và phát triển là rất quan trọng. Nếu kinh phí đó chỉ để cho khâu tổ chức quản lý hoặc những khâu không gắn trực tiếp với yêu cầu nâng cao chất lượng thì 12 nghìn tỷ đồng có thể là một con số lớn nhưng nếu để đáp ứng yêu cầu so với các nước có ở trình độ phát triển cao thì theo tôi đó chưa phải là một con số lớn. Vấn đề ở đây là phải so sánh được con số chi thực tế với chất lượng đầu ra của TS chứ không đơn thuần là chi bao nhiêu cho một nghiên cứu sinh” – GS Thân nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ về sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả nguồn của kinh phí 12 nghìn tỷ đồng, nhiều chuyên gia cho rằng không thể làm một phép tính cơ học để chia số tiền đó cho 9.000 TS. Bởi sẽ có những trường hợp chỉ được hỗ trợ kinh phí một phần, có trường hợp được hỗ trợ kinh phí toàn bộ. Hoặc chi phí đào tạo ở các quốc gia khác nhau cũng không giống nhau. Theo một nghiên cứu, chi phí trung bình để đào tạo một TS ở châu Âu mất khoảng 30-50 nghìn đô la, chưa kể tiền ăn ở của nghiên cứu sinh nữa.
Đặc biệt, với các trường ĐH nằm trong top 100 của thế giới, nếu thuận lợi thì mất khoảng 200 nghìn đô la cho một nghiên cứu sinh nên đặt vấn đề 1,3 tỷ đồng nghe có vẻ là cao so với chi phí đào tạo một TS trong nước nhưng ở nước ngoài thì rất khó nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường- phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, hiện nay đang có một điều bất hợp lý là kinh phí để đào tạo TS ở trong nước so với ở nước ngoài rất thấp. Cụ thể, một nghiên cứu sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài có thể được cơ quan nhà nước hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng nhưng khi học trong nước chỉ được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng.
Vì vậy, ông Cường đề xuất khi Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét đề án đào tạo TS mới thì phải xem xét lại kinh phí đầu tư đào tạo TS ở trong nước. Ví dụ như có thể hỗ trợ đào tạo 1 TS ở trong nước với kinh phí là 1 tỷ đồng thay vì vài chục triệu đồng như hiện nay.
Cần huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đào tạo
Bên cạnh bất hợp lý trong việc đầu tư cho nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất hiện nay chi phí để trả cho người hướng dẫn luận án TS và người phản biện rất thấp, nên một số người có tâm lý làm cho xong.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Hoàng Đức Thân cho rằng đối với đào tạo trong nước hiện nay, việc chi trả tiền hướng dẫn hiện nay không bằng một buổi giảng, trong khi hướng dẫn 4 năm trời. Đó là chưa kể tiền đi khảo sát, đặc biệt là nếu đào tạo TS theo định hướng nghiên cứu thì còn đòi hỏi những thí nghiệm.
“Trong kinh tế có thể ít cần đến nhưng trong khoa học kỹ thuật có nhứng thí nghiệm thất bại, tiền bỏ đi hết. Phải chấp nhận rủi ro trong đào tạo. Đầu tư trong nghiên cứu thì mới có cái mới, nếu cái gì cũng muốn chắc chắn thì không bao giờ ra được kết quả”- ông Thân chia sẻ.
Trong khi đó, đào tạo TS là đào tạo ở trình độ cao, không phải trường hợp nào sau 4 năm cũng hoàn thành được luận án TS nên việc hỗ trợ chi phí đào tạo 12 nghìn tỷ đồng của Nhà nước có thể nói chỉ là một phần, ngoài ra còn cần đến các nguồn lực xã hội, nguồn lực của nhà trường và chính những người tham dự khóa học đó.
“Việc tạo điều kiện ban đầu cho người học của Nhà nước là rất quan trọng nhưng đào tạo ở bậc TS nếu chỉ hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước thì không thể nào đáp ứng được hết nhu cầu. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ những khâu quan trọng nhất trong quá trình đào tạo TS để nâng cao chất lượng”- ông Thân khẳng định.