15 năm sau khi cựu Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri bị ám sát, một tòa án do LHQ hậu thuẫn đã đưa ra phán quyết về 4 nghi phạm từ nhóm Hezbollah. Theo các chuyên gia hòa bình và pháp lý quốc tế, dù có nhiều điểm còn nghi vấn, nhưng ít nhiều công lý đã được thực thi.
Vị Thủ tướng vì hòa bình
Ông Rafic Hariri là người 2 lần từng giữ chức Thủ tướng Lebanon giai đoạn1992-1998 và 2000-2004. Đây là vị Thủ tướng duy nhất của quốc gia này cầm quyền 2 nhiệm kỳ tính từ sau cuộc nội chiến 1975-1990, đến nay.
Theo nhận định một bộ phim tài liệu chiếu rộng rãi trên CNN sau khi ông qua đời, “nguyên thủ các quốc gia láng giềng của Lebanon luôn dành cho vị Thủ tướng này sự tôn trọng lớn lao bởi những gì ông đã làm cho đất nước mình cũng như cho khu vực”.
Được miêu tả là người theo phái Hồi giáo Sunni với quá khứ là tỷ phú đã lập nghiệp từ ngành xây dựng ở Arab Saudi, ông Rafik al-Hariri có đủ tiềm lực và trí tuệ trước khi bước vào chính trị. Khi trở thành Thủ tướng lần đầu tiên năm 1992, ông là trường hợp hiếm hoi khi một lãnh đạo Lebanon không từng tham gia các cuộc chiến tranh.
Ông đã dẫn đầu nỗ lực để tái xây dựng Beirut (thủ đô của Lebanon), đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố trở thành một biểu tượng của hòa bình. Vì thế, người dân nước này gọi ông là “vị Thủ tướng vì hòa bình”.
Trong sự nghiệp chính trị, nhất là mảng ngoại giao quốc tế, Thủ tướng Hariri có nhiều mối quan hệ quốc tế và là bạn thân của cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông có hộ chiếu Arab Saudi và được coi là biểu tượng ảnh hưởng của Arab Saudi với Lebanon trong những năm sau chiến tranh.
Tuy nhiên, ở một quốc gia lúc nào cũng có nguy cơ xảy ra các biến cố, Rafik al-Hariri bị cuốn theo các tranh luận chính trị gay gắt. Trong một năm trước vụ ám sát, Hariri dính vào tranh cãi liên quan đến việc kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống thân Syria Emile Lahoud.
Ngày 14/2/2005, Thủ tướng Hariri lên xe sau khi ghé thăm một quán cà phê gần tòa nhà quốc hội. Một kẻ đánh bom tự sát ngồi trong một chiếc xe tải chứa hai tấn chất nổ quân sự đã chờ sẵn, kích nổ quả bom khi chiếc xe Hariri đang tự lái đi qua.
Thủ tướng Hariri cùng 21 người khác thiệt mạng bao gồm cả cựu Bộ trưởng Kinh tế Bassil Fleihan và người qua đường không có liên quan.
“Công lý chỉ có một phần”
Tháng 8 /2011, tòa án đặc biệt về Lebanon của LHQ đã công bố báo cáo điều tra về vụ ám sát cựu Thủ tướng Hariri. Một phiên tòa đã được mở xét xử 4 người có liên quan đến vụ án. Cả 4 người này trước đó đã bị tòa án này phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, sau đó, phiên tòa xét xử đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Nguyên do là vì trong khi chuẩn bị đưa ra xét xử, cơ quan điều tra lại phát hiện thêm 1 can phạm nữa là Hassan Habib Merhi (48 tuổi).
4 thành viên Hezbollah gồm Salim Jamil Ayyash, Mustafa Badreddine, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi. Salim Jamil Ayyash, Hassan Habib Merhi, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi bị cáo buộc âm mưu thực hiện một cuộc tấn công khủng bố.
Ayyash bị buộc tội thực hiện hành động khủng bố, giết người và âm mưu giết người. Hezbollah bác bỏ những cáo buộc này, gọi đây là bịa đặt và không có bằng chứng. Mustafa Badreddine đã bị giết tại Syria vào năm 2016.
Cả 5 bị can này đều là thành viên của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah do Syria hậu thuẫn. Đồng thời, tòa cũng đã triệu tập 500 nhân chứng và cho phép công khai hàng loạt tài liệu, trong đó có các băng ghi âm, ghi hình vụ đánh bom. Nhưng cuối cùng phiên tòa khép lại mà không có bản án nào được tuyên.
Năm 2014, một tòa án đặc biệt khác về Lebanon của LHQ được thành lập tiếp tục điều tra và xử lý vụ án. Mặc dù vậy, trong những năm qua, việc điều tra và đưa ra xét xử các bị can liên quan đến vụ ám sát luôn gặp nhiều trở ngại. Mỗi khi đề cập tới cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri, chính trường Lebanon luôn rơi vào bế tắc.
Phải đợi đúng 15 năm sau vụ ám sát, ngày 18/8, một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã tuyên án vắng mặt Salim Ayyash tội đã giết cựu thủ tướng Lebanon. Ba bị cáo khác được tuyên trắng án. Mặc dù các thẩm phán không tìm thấy bằng chứng cho thấy các lãnh đạo của Hizbullah hoặc Syria, bên ủng hộ nhóm, có liên quan.
“Công lý đã được thực thi nhưng chưa đầy đủ” - những người ủng hộ cựu Thủ tướng Rafik Hariri nói.