15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam: Phối hợp thực chất, hành động vì dân

Anh Vũ 09/10/2023 07:27

Hôm nay (9/10), Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19/2008 và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa hai bên.

Quang cảnh Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 29/9/2021. Ảnh: Quang Vinh.

Việc ký kết Nghị quyết liên tịch mới về công tác phối hợp giữa Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của các bên trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 22/8/2008, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký và ban hành triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19 về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Quy chế xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phối hợp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân; Phối hợp xây dựng pháp luật; Phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp; Kiến nghị và trả lời kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam; Các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; Về phối hợp ban hành văn bản liên tịch; gửi văn bản mới ban hành; Về kinh phí hoạt động; Về việc tham gia các kỳ họp, phiên họp; Về trao đổi thông tin và làm việc liên tịch.

Sau 15 năm thực hiện Quy chế, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Các nội dung đề ra trong Quy chế được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân như: Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường...

Từ thực tiễn phối hợp, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, chưa từng có tiền lệ (như phối hợp phòng, chống dịch Covid-19) đã được hai bên phối hợp thực hiện có hiệu quả, qua đó đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, thực hiện an sinh xã hội, nhất là trong chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn.

Nổi bật như trong vận động thi đua phát triển kinh tế - xã hội góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thông qua 5 nội dung toàn diện của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp đã góp phần thực hiện hiệu quả 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm (2015-2020), qua công tác tuyên truyền vận động, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 22,5 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và các chương trình an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Từ năm 2008 đến ngày 30/6/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội được trên 76.829 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam và sự trợ giúp của cộng đồng, đã vận động giúp đỡ xây mới và sửa chữa 363.154 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 10,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 1,8 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Riêng ở Trung ương, trong 14 năm qua (từ năm 2008 đến 2022), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã duy trì phối hợp tổ chức Chương trình “Nối vòng tay lớn”, sau này là Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo", đã vận động hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Trong nội dung phối hợp xây dựng pháp luật, nhờ có những định hướng và kế hoạch triển khai kịp thời nên số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành xin ý kiến của MTTQ Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng, nhất là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành và có hiệu lực. Hàng năm, Chính phủ, các bộ, ngành của Chính phủ đã gửi xin ý kiến góp ý của MTTQ Việt Nam khoảng 60 - 80 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được hai bên phối hợp triển khai với các nội dung thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất, lựa chọn, triển khai 13 chương trình phối hợp giám sát, trong đó có nhiều chương trình có sự phối hợp của các bộ, ngành của Chính phủ triển khai giám sát, kết quả bước đầu là rất rõ, có tác động tích cực. Từ kết quả giám sát cùng các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các cấp kiểm tra và có biện pháp giải quyết các kiến nghị của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, góp phần giảm các vụ việc đông người, kéo dài, bức xúc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân…

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, thực chất, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên. Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ ký kết Nghị quyết liên tịch mới thay thế cho Nghị quyết liên tịch số 19 ngày 22/8/2008.

Việc ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác mới giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn mà còn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Chính phủ; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam để xây dựng đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19, công tác phối hợp trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có nhiều chuyển biến, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thúc đẩy xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Hàng năm, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh trực tiếp tại Quốc hội và gửi các cơ quan có liên quan, trong đó có Chính phủ. Từ năm 2009 đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập hợp 58.698 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam: Phối hợp thực chất, hành động vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO