Dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ đầu tháng 2/2017 đang nhận được khá nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế. Theo giới chuyên gia, trong thời kinh tế thị trường mà có đến 20 ngành nghề DN nhà nước độc quyền, không cho phép tư nhân tham gia dường như đang đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, việc quy định các nội dung này tại dự thảo Nghị định
Sản xuất vàng miếng là một trong những lĩnh vực Nhà nước sẽ độc quyền. (Ảnh: TL).
Nâng cao tính minh bạch
Cụ thể, trong Dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại được Bộ Công thương xây dựng, có tới 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền, trong đó có các ngành nghề như hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, vật liệu nổ công nghiệp, vàng miếng, vàng nguyên liệu, xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà...
Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo nghị định được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2015: “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để đảm bảo lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ và địa bàn độc quyền Nhà nước”.
Theo Bộ Công thương, việc quy định các nội dung này tại dự thảo Nghị định sẽ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến độc quyền Nhà nước đã được ban hành trước đó chưa thể hiện được. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.
Ngoài ra, việc lập danh mục hàng hóa, dịch vụ và địa bàn độc quyền Nhà nước được cho là sẽ góp phần tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch rõ phạm vi độc quyền nhà nước cũng như các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp có liên quan, qua đó tạo sự yên tâm, tin tưởng và khả năng giám sát cho các thành phần kinh tế khác về sự can thiệp của Nhà nước và nền kinh tế thông qua pháp luật.
Tuy nhiên, việc quy định có đến 20 ngành nghề thuộc độc quyền của Nhà nước, có nghĩa là các DN tư nhân không được phép tham gia vào các ngành nghề này, đang nhận được những phản ứng bất đồng từ dư luận xã hội. Không ít ý kiến cho rằng, trong xu hướng hội nhập hiện nay, các nước đều mở cửa để thu hút DN từ nước ngoài tham gia đầu tư nhưng Việt Nam lại đưa tới 20 ngành nghề kinh doanh vào “khung cấm” chẳng khác gì đi ngược với xu hướng hội nhập của thế giới, đi ngược với xu thế của nền kinh tế thị trường.
Phát hành xổ số kiến thiết cũng sẽ là ngành nghề Nhà nước độc quyền.
Giảm lĩnh vực độc quyền
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, Nhà nước với vai trò quản lý điều hành nền kinh tế quốc dân, cũng cần phải sử dụng các biện pháp để điều hành và đưa vào quy củ một số ngành nghề kinh doanh mang tính chất độc quyền. Đây là việc tất yếu vì quốc gia nào cũng vậy, Nhà nước phải thực hiện một số công việc để đảm bảo vai trò của mình trong nền kinh tế, đặc biệt khi Việt Nam đang trong thời gian chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong bản Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ, nếu có tới 20 lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh cấm tư nhân tham gia là không hợp lý.
Theo PGS. TS Thịnh, Nhà nước với công cụ tài chính của mình, chỉ nên độc quyền ở những ngành nghề có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hoặc những ngành nghề mà các DN tư nhân không tham gia hoặc không được phép tham gia như lĩnh vực an ninh quốc phòng, vũ khí, cháy nổ… còn lại các lĩnh vực khác nên để cho tư nhân vào cuộc và để thị trường tự điều chỉnh, như vậy mới đúng xu thế của một nền kinh tế thị trường, đúng xu hướng của hội nhập kinh tế quốc tế. Đơn cử như lĩnh vực kinh doanh vàng miếng, theo ông Thịnh, nếu cấm cả tư nhân tham gia vào lĩnh vực này là rất phi thị trường.
Các quốc gia trên thế giới coi kinh doanh vàng cũng như các lĩnh vực hàng hóa khác, tại sao Việt Nam lại cấm? “Nhà nước chỉ cần nắm khâu buôn bán vàng trên thị trường quốc tế, tức là nắm nguồn cung của thị trường vàng chứ không cần phải đưa toàn bộ kinh doanh vàng vào tay Nhà nước”. – ông Thịnh nêu quan điểm và cho rằng, trong số 20 ngành nghề mà chỉ DN nhà nước được độc quyền, có không ít ngành mà nếu để DN tư nhân tham gia sẽ hiểu quả hơn và có lợi hơn cho nền kinh tế. “Chính bởi vậy, việc đưa ra một bản dự thảo Nghị định mà Nhà nước độc quyền quá nhiều lĩnh vực kinh tế nói trên, giống như một bước lùi trong môi trường đầu tư của Việt Nam” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Trả lời báo giới, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc cho ra đời một bản danh mục hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, ngược lại với xu thế cải cách.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Nhà nước tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh là cần thiết nhưng cần phải xem xét một cách thận trọng, và cố gắng giảm thiểu đến mức tối đa yếu tố “độc quyền”, vì chính yếu tố này là nguyên nhân tạo ra lỗ hổng trong quản lý, tạo cơ chế xin – cho, làm cho nền kinh tế biến dạng.