Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét tuyển theo quy định riêng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực… Đáng chú ý, có những thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 theo phương thức xét học bạ, nhưng vẫn… rớt đại học (ĐH).
Điểm xét tuyển học bạ cao vọt
Theo chia sẻ của nhiều thí sinh, năm 2022 các em chọn phương thức xét tuyển học bạ vào ngành Báo chí của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Trong số này có những bạn đạt tổng điểm trung bình học bạ là 29 điểm khối C00 - cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn học bạ năm trước của ngành này. Tuy nhiên, khi nhận thông báo điểm chuẩn học bạ năm 2022, các thí sinh mới biết 30 điểm vẫn không thể đỗ, chứ chưa nói đến điểm 29.
Tại sao điểm cao mà vẫn không thể đỗ ĐH? PGS. TS Phạm Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho hay, đã ký thông báo mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT với quy định của trường và hướng dẫn thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo đó, phương thức này xét tuyển 3 tổ hợp từ kết quả học tập THPT gồm: C00 (Văn, Sử, Địa), A00 (Toán, Lý, Hóa) và D01 (Toán, Văn, Anh). Theo thông báo của trường, đối với tổ hợp C00 có 3 ngành gồm: Báo chí; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Luật - điểm đủ điều kiện trúng tuyển là 30,5/30 điểm. Đối với tổ hợp A00, D01 - mức điểm này là 29,5/30; riêng ngành Ngôn ngữ Anh là 37/40 điểm.
Trước đó, Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội hướng dẫn cách tính điểm xét kết quả học bạ THPT theo công thức: Điểm trung bình cộng mỗi môn trong 3 năm thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm cộng ưu tiên (được nhà trường xác định tùy từng mức theo đối tượng khác nhau, cao nhất được cộng 10 điểm và thấp nhất là 3 điểm). Với mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển như trên, những thí sinh thuộc khu vực 3, không có chứng chỉ ngoại ngữ, không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia gần như không có cơ hội trúng tuyển vào trường…
Ghi nhận từ các trường ĐH ở phía Nam cũng cho thấy, điểm chuẩn xét tuyển học bạ một số ngành năm nay tăng hơn hẳn những năm trước đó. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, hầu hết các ngành có điểm chuẩn học bạ tăng từ 2-4 điểm so với năm trước, cá biệt có ngành tăng đến 5 điểm. Năm 2021, ngành Công nghệ sinh học chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn là 21 điểm; năm nay là 25,25 điểm; ngành Hóa học tăng từ 21,5 lên 26,5 điểm. Năm nay có đến 6 ngành của trường này có điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó có 4 ngành là 29,25 điểm…
Nên tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển
Phân tích từ các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân điểm chuẩn học bạ năm 2022 của các trường ĐH tăng là do số lượng hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có nhiều điểm cộng… Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là điểm học bạ tăng cao; lượng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng nhiều…, nên điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ cũng tăng mạnh.
Trước tình trạng thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt phương thức xét học bạ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) nêu vấn đề: Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, song kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được “làm đẹp”?
PGS. TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, với những em đạt nhiều tiêu chí xét tuyển, các em nên tham gia xét hết, không bỏ qua phương thức nào. Việc tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp với bản thân thay vì chờ đợi vào duy nhất một phương thức xét tuyển.
Trước đó, ở các mùa tuyển sinh 2020, 2021, cũng đã có không ít thí sinh chạm ngưỡng điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng. Mùa tuyển sinh năm nay để tình trạng này không còn lặp lại, TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội tư vấn: Thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình. Theo đó, có nguyện vọng vào những ngành “hot” với điểm trúng tuyển cao và cả những ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm. Qua đó, có thể tránh được việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhìn nhận những điểm tích cực từ các giải pháp kỹ thuật mà Bộ GDĐT thay đổi và triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cho rằng, việc lọc ảo và xét tuyển chung đã thiết lập lại công bằng trong tuyển sinh cho các trường. Quan trọng hơn nó giúp các trường thực tế hơn trong việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển, từ đó nâng cao chất lượng nguồn tuyển.