Sáng 19/10, Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Vai trò đóng góp của các Hội UNESCO đối với sự phát triển của quốc gia và hợp tác quốc tế” đã diễn ra tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Đây là sự kiện đánh dấu mốc son quan trọng trong hành trình không ngừng lớn mạnh và phát triển của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Hội nghị quốc tế lần này nhằm tổng kết và đánh giá chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp, để rút ra những bài học, kinh nghiệm và đưa ra phương hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Liên hiệp và phong trào UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 500 học giả, các nhà khoa học và những người tham gia công tác UNESCO trên toàn thế giới và Việt Nam.
Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam (VFUA) ra đời với sứ mệnh thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hoá và thông tin truyền thông, là những lĩnh vực hoạt động chuyên môn của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới.
30 năm qua, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước khen thưởng với nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng các Bộ, ban ngành, nhiều tỉnh thành.
Trên trường quốc tế, tuy ra đời muộn hơn so với nhiều nước, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam được đánh giá là một trong những tổ chức tiêu biểu hoạt động đồng đều, đa dạng và hiệu quả nhất mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia phát triển đầy đủ các mô hình Câu lạc bộ, Trung tâm và cả Hội UNESCO. Cũng rất hiếm các Hiệp hội UNESCO quốc gia trên thế giới phát triển phong trào ở trên cả 4 lĩnh vực chuyên môn thuôc thẩm quyền của UNESCO.
Do đó hoạt động của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có thể coi là điểm sáng trong mạng lưới phong trào UNESCO thế giới khi phát triển cân đối và hài hòa trên cả 4 lĩnh vực Văn hóa - Khoa học - Giáo dục - Thông tin và Truyền thông.
Ngay sau ngày thành lập, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên chính thức của mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mạng thế giới. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tạo được tín nhiệm cao và được đề cử vào các vị trí quan trọng của mạng lưới khu vực và thế giới.
Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định, vượt qua những thử thách của buổi ban đầu, bằng sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, nay Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Thông qua mạng lưới tương đối rộng lớn, Liên hiệp đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của quần chúng đóng góp cho mục tiêu phát triển đất nước và góp phần hiện thực hóa những tiêu chí và lý tuởng cao đẹp của UNESCO vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.
Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESO Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương; Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay cho biết, suốt 30 năm qua, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành, các cơ quan liên quan tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Liên hiệp luôn trân trọng và ghi nhận với lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ, ủng hộ thường xuyên và hiệu quả của Bộ Ngoại giao, với tư cách là cơ quan đã sáng lập và chủ quản của Liên hiệp, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - với vai trò là cơ quan chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn đối với Liên hiệp.
Bên cạnh đó, sự phối hợp tận tình của Bộ Nội vụ, Bộ Công an và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã giúp cho các hoạt động Liên hiệp an toàn, đi đúng hành lang pháp lý, hỗ trợ Liên hiệp kịp thời giải quyết những khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Ông Georgios Christophides - Chủ tịch danh dự Liên hiệp UNESCO Thế giới, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Cộng hòa Síp cho hay: “Suốt nhiều năm làm việc cùng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, tôi nhận thấy Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn tập trung xây dựng các tiêu chuẩn cao về tổ chức, tính nhân văn và ý chí mạnh mẽ để tiếp tục hoạt động ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế trong việc thúc đẩy các vấn đề, chủ đề liên quan đến lý tưởng của UNESCO, đặc biệt là tăng cường sự phát triển của đất nước và hợp tác quốc tế”.
Tại hội nghị, hơn 500 đại biểu đã tích cực đóng góp tham luận, đưa ra sáng kiến, phương pháp và mô hình hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay:
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, trong những năm qua, Tạp chí Ngày Nay đã đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị; cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả đến các hội viên và cộng đồng. Hoạt động truyền thông của tạp chí cho thấy nhiều nội dung tích cực, phong phú, rộng khắp; phản ánh đa chiều hoạt động phong trào UNESCO phi chính phủ cùng vấn đề về văn hóa, giáo dục, thông tin truyền thông, khoa học, đời sống xã hội ở bình diện trong nước và quốc tế.
Tạp chí Ngày Nay không ngừng phát triển, bám sát các chương trình, mục tiêu công tác UNESCO của Nhà nước, thiết thực góp phần một cách có hiệu quả vào việc tuyên truyền cho các mục tiêu công tác UNESCO, cung cấp thông tin lành mạnh, chính thống để góp phần nâng cao hiểu biết của quần chúng về UNESCO, định hướng cho đại chúng nhận thức đúng đắn liên quan đến phát triển tri thức và văn hóa, về ý nghĩa của sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa nói chung, trong đó có sự nghiệp gìn giữ và bảo tồn bản sắc và di sản văn hóa dân tộc.