Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao nhất trên thế giới. Trong đó, 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Hưởng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Vấn đề vô sinh, hiếm muộn đang trở thành một gánh nặng của ngành Y tế Việt Nam. Tại nhiều bệnh viện, không ít trường hợp phải mất 5-10 năm để chữa trị vô sinh. Thậm chí, có những trường hợp không may mắn, sẽ không bao giờ được thực hiện thiên chức làm cha mẹ. Thực tế, tình trạng vô sinh hiếm muộn đang ngày càng gia tăng, trẻ hóa về độ tuổi và nhiều ca khó”.
Theo bác sĩ Hưởng, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng với nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung… Với người chồng, thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không có tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược.
Một trường hợp cụ thể, cách đây 6 năm, anh Nguyễn Mạnh L. và chị Nguyễn Thị H. (cùng sinh năm 1992, ở Thanh Hóa) xây dựng hạnh phúc. 6 tháng sau hôn nhân, chị H. vẫn chưa thấy tin vui đến với gia đình. Sốt ruột nên 2 vợ chồng đưa nhau đi thăm khám. Và tin buồn ập đến khi bác sĩ cho biết anh L. không có tinh trùng, nên cơ hội làm cha gần như bằng 0.
Sau đó, hai vợ chồng anh L. đã đi thăm khám nhiều nơi, ai mách thuốc, thầy gì đều cố gắng tìm đến chạy chữa suốt 5 năm ròng nhưng không mang lại kết quả. Tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, sau thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu, anh L. biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô tinh của mình là do mắc hội chứng hiếm gặp Klinefelter.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể (NST) 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh. Nếu không có sự can thiệp của phương pháp hỗ trợ sinh sản, bệnh nhân sẽ không thể có con tự nhiên.
Với nỗ lực của y, bác sĩ và niềm tin sẽ có cơ hội tìm được con yêu, vợ chồng anh L. may mắn tạo được 10 phôi, sau sàng lọc đã có được 2 phôi khỏe mạnh. Ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị H. vui mừng khi biết mình đã đậu thai. Hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc, như được sinh ra lần thứ 2.
Theo bác sĩ Việt, vì các bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter thường không bị ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và trưởng thành nên hầu như đều phát hiện muộn, chỉ đến khi kết hôn, chậm có con thì mới đi thăm khám và biết được bệnh lý. Vì vậy, các gia đình cần lưu ý nếu sau kết hôn 6 tháng đến 1 năm không có em bé cần đi thăm khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân bệnh lý.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Văn Hưởng cho rằng, việc bệnh nhân vô sinh hiếm muộn gặp các bác sĩ càng sớm càng tốt. Tại đây, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng bệnh lý của bệnh nhân để đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp. Song song với đó, việc làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân cực kỳ quan trọng. Bởi tâm lý tốt, lạc quan sẽ giúp người bệnh có niềm tin, kéo theo nhiều tác động tốt đến sức khỏe, cơ quan sinh sản như trứng, tinh trùng.
Theo bác sĩ Hưởng, để điều trị vô sinh hiếm muộn thành công cần rất nhiều yếu tố nhưng trước hết các cặp vợ chồng phải đồng lòng và tin tưởng vào nơi điều trị sau khi tìm hiểu cụ thể. Trong điều trị vô sinh hiếm muộn thì vợ và chồng có đóng góp, ảnh hưởng đến thành công như nhau và bác sĩ điều trị cho bệnh nhân lần đầu tiên sẽ là người nắm rõ tình trạng của hai vợ chồng nhất.
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nên có lối sống lành mạnh, khoa học, tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, hạn chế căng thẳng, làm việc trong môi trường độc hại để hạn chế tình trạng vô sinh hiếm muộn. Đồng thời các cặp đôi nên thăm khám sớm khi thấy các dấu hiệu bất thường và khám tiền hôn nhân.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện sẽ hỗ trợ kinh phí làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 99 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bệnh viện đã tổ chức thành công tuần lễ khám, tư vấn miễn phí dành cho các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn và các cặp vợ chồng mong con (diễn ra từ ngày 28/5 đến ngày 3/6), thu hút hàng nghìn người đến khám, tư vấn.
Được biết, Bệnh viện Bưu Điện sẽ hỗ trợ 30.000.000 đồng/1 cặp vợ chồng làm IVF tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện cho các cặp vợ chồng đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn như: Là bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn, có chỉ định của bác sĩ phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chưa có con lần nào...