Tọa đàm góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn vừa diễn ra sáng 22-3 tại Hà Nội. Hoạt động này do Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương chủ trì tổ chức với sự tham gia của Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Ảnh minh họa.
Những băn khoăn tại tọa đàm cho thấy, việc chỉ chọn 6 tác phẩm để học bắt buộc đối với môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn nặng về định lượng.
Băn khoăn khung chương trình và SGK
Trong phần đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương trình bày có nêu rõ 9 vấn đề quan trọng của chương trình mới môn Ngữ văn cần được thảo luận.
Theo đó, những vấn đề cần thảo luận cũng được đặt ra cụ thể, gồm: Chương trình được xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định những mục tiêu có tính cốt lõi và dành phần chủ động cho các nhóm biên soạn sách giáo khoa (SGK) cũng như giáo viên trong việc triển khai hoạt động. Tuy vậy, tính cụ thể của chương trình liệu có đủ để triển khai một cách thống nhất việc biên soạn SGK một cách khả thi? Tính mở của chương trình Ngữ văn liệu có mâu thuẫn với tính thống nhất của giáo dục phổ thông trong những nội dung có tính cốt lõi liên quan đến kiến thức ngữ văn, đến chuẩn mực thẩm mỹ của người Việt Nam hiện đại cũng như yêu cầu về tính tư tưởng của chương trình giáo dục các môn xã hội nhân văn? Tính hệ thống và tính hợp lý của chương trình về kiến thức, kĩ năng?
Chương trình được xây dựng trên tiếp cận năng lực, hướng đến việc xây dựng năng lực của người học từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy vậy, liệu bên cạnh chuẩn về năng lực, liệu có cần thiết phải có một chuẩn kiến thức đối với chương trình phổ thông môn Ngữ văn? Tính hệ thống và tính hợp lý của hệ thống kiến thức được thể hiện trong dự thảo chương trình liệu đã đạt đến tính hợp lý, khoa học và khả thi? Một trong những thế mạnh, thể hiện tính hiện đại của dự thảo chương trình môn Ngữ văn là hệ thống kiến thức mang tính lí luận và thể loại. Tuy vậy, theo dự thảo chương trình, kiến thức lịch sử văn học dân tộc chỉ được học tại lớp 9 và lớp 12 với 2 dòng hết sức ngắn gọn. Liệu việc thể hiện yêu cầu về kiến thức lịch sử văn học dân tộc như vậy có hợp lý, khoa học, cụ thể và khả thi?
Cùng với đó là những yêu cầu đặt ra về vấn đề các phạm trù thẩm mỹ và nội dung thẩm mỹ của văn chương được thể hiện trong dự thảo chương trình; Vấn đề lựa chọn tác giả, tác phẩm đưa vào hệ thống ngữ liệu của dự thảo chương trình; Tỉ lệ văn học dân gian và văn học viết; văn học các dân tộc ít người và văn học của người Kinh; việc phân bổ kiến thức theo từng cấp; tính chuẩn xác về những kiến thức mang tính chuyên môn…?
Đơn điệu về thể loại
Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà giáo Phạm Quang Long (Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn – ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới, vừa kế thừa và phát huy được những yếu tố tích cực của chương trình hiện thời; tích hợp các nội dung liên môn một cách hợp lý. Tuy nhiên, điểm không ổn nhất là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành ra những phần tách bạch nên làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn. Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.
Về nội dung chương trình, ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn SGK, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình. Sáu tác phẩm được chọn chỉ có riêng Truyện Kiều thuộc thể loại thơ Nôm, còn 5 tác phẩm còn lại là loại khác. Theo nhà giáo Phạm Quang Long, về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Phần còn lại được chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì.
Đồng ý với quan điểm trên, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương nhận định: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. Theo đó, nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng, năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn. Học sinh không học sẽ không thi được.
PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm, nếu chỉ chọn 6 tác phẩm là bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn về SGK. Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi. Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm từ 2-3% toàn bộ chương trình môn Ngữ văn thì sẽ không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng.
Theo kế hoạch, các ý kiến đóng góp từ tọa đàm sẽ được tổng hợp thành văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Bộ GD&ĐT, trong đó đề xuất những giải pháp cụ thể về tổ chức thực hiện cũng như về chuyên môn để có thể hoàn thiện khung chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.