Mặt trận

60 năm báo Giải Phóng: Mốc son Anh hùng

LÊ NA 27/06/2024 09:49

60 năm báo Giải Phóng là mốc son Anh hùng trong hành trình 82 năm báo Ðại Ðoàn Kết, góp phần tô thắm trang sử vàng 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.

giai-phong-7.jpg
Họa sĩ Dũng Tiến vẽ áp phích kỷ niệm 10 năm báo Giải Phóng tại Bến Ra, Chiến khu C.

Báo Giải Phóng - tiền thân của báo Ðại Ðoàn Kết ngày nay, ra số đầu tiên vào ngày 20/12/1964, là tờ báo được ra đời trong khói lửa chiến tranh. Dù chỉ tồn tại hơn 10 năm nhưng tờ báo và những người làm báo Giải Phóng chính là sự hiện hữu cả một chặng đường gian khổ và vinh quang trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam đã bước sang năm thứ 82 (25/1/1942-25/1/2024) là một trong những tờ báo có tuổi đời lâu nhất nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Tờ báo được sinh ra từ trước khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập. Tờ báo đã đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Tờ báo lớn lên cùng đất nước, tái thiết, dựng xây non sông gấm vóc cho đến ngày nay. Nhưng để đi tới ngày hôm nay, Đại Đoàn Kết là một cái tên được đắp đổi bởi biết bao hy sinh của các thế hệ nhà báo báo Cứu Quốc, báo Giải Phóng.

Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) do Tổng Bí thư Trường Chinh, thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách. Kể từ đó cho tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề, báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Cứu Quốc xuất bản công khai tại Hà Nội. Tờ báo có vinh dự đăng toàn văn bản "Tuyên ngôn độc lập". Báo cũng đăng Lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và Lời thề của Quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn này.

Báo Giải Phóng ra đời

Đầu năm 1964, Mặt trận Trung ương đã cử một đoàn cán bộ của báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà báo Trần Phong - nguyên Tổng Biên tập báo Cứu Quốc được cử từ miền Bắc theo đoàn tàu không số vượt biển vào làm Tổng Biên tập đầu tiên với bút danh Kỳ Phương. Hai nhà báo khác là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) cũng từ báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh để chuẩn bị nhân sự và hậu cần cho việc xuất bản báo Giải Phóng.

Với tinh thần khẩn trương, bằng mọi giá báo Giải Phóng đã xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 tại Chiến khu C, Tây Ninh đúng dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với báo Cứu Quốc ở miền Bắc, báo Giải Phóng ở miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, đầu năm 1977, báo Cứu Quốc, báo Giải Phóng hợp nhất thành báo Đại Đoàn Kết.

82 năm trôi qua, Cứu Quốc, Giải Phóng không chỉ là niềm tự hào thiêng liêng của Đại Đoàn Kết mà còn là niềm tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, năm 2024, báo Giải Phóng tròn 60 tuổi. Đối với các thế hệ nhà báo và những người từng biết đến tờ báo này, 60 năm báo Giải Phóng là mốc son của lịch sử - mốc son của Anh hùng.

Chặng đường lịch sử của tờ báo từ năm 1964-1977 đã khẳng định, báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế.

Chính vì thế báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới. Cùng với Thông tấn xã Giải Phóng; Đài Phát thanh Giải Phóng, báo Giải Phóng là một trong ba cơ quan truyền thông quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam.

Báo Giải Phóng cũng như những người cầm bút ở chiến trường phải hoạt động trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh vô cùng ác liệt, nhưng những nhà báo - chiến sĩ kiên gan ấy vẫn bám trụ trận địa đưa tin kịp thời, đầy đủ về những trận thắng quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (8/1965); mùa khô 1965 - 1966, mùa khô 1966 - 1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968). Điều này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ mà còn có giá trị về phương diện chính trị, lịch sử và công tác báo chí.

Nhà báo Kim Toàn - nguyên Tổng Biên tập báo Hải Phòng, là người từng vượt Trường Sơn trong 4 tháng ròng rã từ Bắc vào Nam để trở thành phóng viên báo Giải Phóng. Ông đã có mặt tại nhiều địa bàn và mặt trận ác liệt nhất của miền Nam, vừa trực tiếp cầm súng và chiến đấu, vừa tác nghiệp, ghi lại từng khoảnh khắc quan trọng, gửi về báo Giải Phóng và các báo cách mạng những bài viết nóng bỏng khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân, dân ta nơi tiền tuyến.

“Đó là những ngày tháng cực kỳ gian khổ, đầy máu lửa. Tôi cùng đồng đội lao vào các trận đánh phản kích, triền miên quần nhau với địch cả ngày lẫn đêm ở khắp nội đô, vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận. Chính thời gian ấy, vào đầu tháng 3/1968, tại mặt trận cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, Ban Quân y Phân khu 3 gửi “giấy báo tử” về báo Giải Phóng ở trên rừng, báo tin tôi hy sinh trong trận chiến đấu chống càn và được chôn cất tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cơ quan Báo tổ chức lễ truy điệu và cử nữ phóng viên Kim Oanh làm tiếp nhiệm vụ của tôi. Rất may, việc báo tử nói trên chỉ là sự nhầm lẫn, nhưng câu chuyện hy hữu đầy máu và nước mắt này lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với tôi và các bạn đồng nghiệp thời lửa đạn chiến tranh”, nhà báo Kim Toàn nhớ lại.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà báo báo Giải Phóng không chỉ tác nghiệp tin bài mà còn tự thu xếp việc in ấn, chuyển phát báo tới độc giả. Nhà báo Nguyễn Hồ, phóng viên báo Giải Phóng nhớ như in những số báo Giải Phóng đầu tiên in số lượng ít, chỉ 3-5 ngàn tờ, máy in tự động chỉ cần chạy 1 giờ nhưng công nhân kéo tay phải kéo suốt ngày đêm. Nỗ lực ấy đã được đền bù xứng đáng bằng sự ra đời của tờ báo lịch sử - tờ báo lớn nhất ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Không chỉ xuất bản, phát hành, báo Giải Phóng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo lực lượng làm báo cho các địa phương, tổ chức nghiên cứu báo chí để tham mưu giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những vấn đề đấu tranh với địch trên mặt trận báo chí. Báo Giải Phóng thực sự là vũ khí đấu tranh sắc bén, người bạn tin cậy của đồng bào, chiến sĩ, và là niềm tự hào của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn nữa, báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Từ ngày 6/6/1969, báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Giữa lúc chiến tranh ác liệt, đã có thời điểm, báo Giải Phóng mất nhà in và phải tạm đình bản trong khi bài vở, tin tức của phóng viên từ các mặt trận chuyển về rất nhiều. Không thể để tiếng nói của Mặt trận bị tắt, Ban biên tập báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói”, nghĩa là tờ báo vẫn được biên tập đầy đủ các trang mục nhưng không in mà phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng như điểm báo. Quân và dân ta cũng như bạn bè vui mừng và yên lòng khi thấy báo Giải Phóng vẫn còn “sống”.

giai-phong-6jpg.jpg
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Chủ nhiệm báo Giải Phóng và các phóng viên (năm 1969).

Những ký ức không thể phai mờ

Với những người sinh ra trong khói lửa chiến tranh như ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam những bản tin của báo Giải Phóng được phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng mãi là những ký ức không thể nào quên. Ngày đó ở quê nhà (xóm An Đông, xã Bình Giang, Quảng Nam) lúc ông Kim 14 tuổi, bắt đầu tham gia vào hoạt động ở xã là liên đội trưởng Thiếu niên Tiền phong và được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Khi ấy, nhà ông có một cái radio mua từ Đà Nẵng và được giấu mang về vùng giải phóng. Chiếc đài là vật bất ly thân. Với một cái vỏ bao đựng chiếc đài nhỏ, một dây quàng đi đâu ông cũng có thể nghe được thông tin từ chiến trường miền Nam. Trên Đài Phát thanh Giải Phóng, hàng ngày là những tin tức nóng hổi về những sự kiện, những bài viết và thông tin quan trọng của báo Giải Phóng về thắng lợi của quân, dân ta và những nội dung tuyên truyền vận động bà con mình tham gia vào cuộc kháng chiến.

Theo ông Vũ Trọng Kim, thế hệ thanh niên ngày ấy chịu tác động của báo đài là nhiều. Và sau đó, ông bước vào con đường làm du kích và đi thanh niên xung phong, tham gia kháng chiến cũng nhờ tiếng nói từ Đài Phát thanh Giải Phóng trong đó có ảnh hưởng của các tờ báo khác như báo Giải Phóng.

Giai đoạn những năm 1970 khi vào chiến khu, ông Vũ Trọng Kim mới trực tiếp nhìn thấy tờ báo Giải Phóng. “Tờ in rất mộc mạc đơn sơ nhưng nội dung rất phong phú. Mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hơn 10 năm nhưng vai trò lịch sử của tờ báo Giải Phóng rất sâu sắc và mạnh mẽ khi cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

Sau ngày giải phóng, cán bộ báo Giải Phóng còn xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải Phóng - số đầu tiên ra ngày 5/5/1975, in màu, 8 trang khổ lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân miền Nam vừa được giải phóng. Ngày 27/7/1975, báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn, đồng thời trước đó cho ra mắt báo Giải Phóng bộ mới vào ngày 22/7/1975, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ thời hậu chiến của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cho đến đầu năm 1977, báo Giải Phóng sáp nhập với báo Cứu Quốc trở thành báo Đại Đoàn Kết.

giai-phong-1(1).jpg
Báo Giải Phóng đã đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Kể từ ngày tờ báo ra số đầu tiên đến nay đã 60 năm, có những người đã nằm lại chiến trường và cũng đã có những người qua đời do tuổi tác, bệnh tật; nhiều người trở thành nhà báo có tên tuổi, nhà văn, nhà thơ, nhà điện ảnh nổi tiếng; nhiều người giữ chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; nhiều người là đại biểu Quốc hội; nhiều người là lãnh đạo ở nhiều tờ báo và nhà xuất bản.

Nhiều phóng viên và biên tập viên cũng đã đảm nhận những trách nhiệm chủ chốt trong công tác báo chí, xuất bản và nhà in. Không có ai gác bút và luôn giữ trong tim ngọn lửa của một người chiến sĩ - nhà báo cách mạng.

Đó là một đặc điểm vô cùng quý báu của đội ngũ những người làm báo Giải Phóng. Trong đó có một người đặc biệt, đó là nhà báo Thái Duy. Ông là phóng viên báo Cứu Quốc, tham gia gây dựng báo Giải Phóng và sau khi đất nước thống nhất lại trở về làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một danh xưng duy nhất là phóng viên với mục tiêu cầm bút viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Nhà báo Thái Duy đã không còn nữa. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14/4/2024 ở tuổi 99 nhưng một Thái Duy với trí tuệ mẫn tiệp, trái tim nồng hậu với cuộc đời, với nghề viết, với cách mạng, với đất nước và nhân dân sẽ sống mãi. Cùng với các đồng nghiệp ở báo Giải Phóng, ông xứng đáng là Anh hùng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tờ báo và những người trực tiếp làm báo Giải Phóng chưa được vinh danh xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của mình. Hai trong ba cơ quan truyền thông quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam là Đài Phát thanh Giải Phóng và Thông tấn xã Giải Phóng đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giải Phóng là một tờ báo anh hùng với những người làm báo quả cảm trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - họ đã sống một cuộc đời xứng đáng được ngợi ca.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: Đội ngũ những người báo Giải Phóng đã viết báo, làm báo và chiến đấu anh dũng kiên cường

anh-box-1.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Được sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta tự hào về những đóng góp đáng trân trọng của báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa, càng biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Giải Phóng - những người đã viết báo, làm báo và chiến đấu anh dũng kiên cường trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vì hòa bình thống nhất để non sông gấm vóc Việt Nam nối liền một dải.

Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước để báo Giải Phóng được vinh danh xứng đáng.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Báo Giải Phóng xứng đáng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

anh-box-2.jpg
Bà Trần Thị Kim Hoa.

Câu chuyện của báo Giải Phóng là làm báo với những hy sinh và nỗ lực đáng tự hào trong cả chiến tranh và hòa bình, là một bản hùng ca của những tờ báo chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, báo Giải Phóng xứng đáng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Dấu mốc đẹp để vinh danh

anh-box-3-ha-minh-hue(1).jpg
Ông Hà Minh Huệ.

Đến tháng 12/2024, tròn 60 năm báo Giải Phóng ra số đầu tiên. Đây là dấu mốc đẹp để vinh danh, ghi nhận đóng góp xứng đáng của báo Giải Phóng.

Cùng ra đời trong khói lửa chiến tranh, cùng chiến đấu trên một chiến hào phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước, cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng, báo Giải Phóng hoàn toàn xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng giống như các đơn vị báo chí khác trong binh chủng báo chí cách mạng miền Nam thời chống Mỹ như Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong các năm 2018 và 2020.

Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - nguyên nhân viên báo Giải Phóng: Rất vui và tự hào

anh-box-4.jpg
Ông Trương Trọng Nghĩa.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập báo Giải Phóng, nếu tờ báo được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì tôi cũng như các đồng nghiệp, những người còn sống sẽ rất vui và tự hào. Đó là sự tri ân xứng đáng đối với các thế hệ cán bộ, nhân viên, biên tập viên, phóng viên của tờ báo đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    60 năm báo Giải Phóng: Mốc son Anh hùng