62% lao động không có tiền tiết kiệm

L.H. 14/08/2015 09:15

“Mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, vùng 1: 4,910 triệu đồng; vùng 2: 4,290 triệu đồng; vùng 3: 3,950 triệu đồng; vùng 4: 3,510 triệu đồng. Với mức chi tiêu này nếu không tăng lương thì cuộc sống NLĐ sẽ rất khốn khó” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ) nhấn mạnh.

Ngày 13/8 tại Hà Nội, TLĐLLĐ Việt Nam đã tổ chức buổi họp về tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của NLĐ trong các doanh nghiệp năm 2015.

Tại buổi họp, ông Mai Đức Chính cho biết, từ tháng 4 đến tháng 5-2015, TLĐLĐ Việt Nam đã thực hiện cuộc điều tra, khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp. Trong đó thực hiện 1.600 phiếu hỏi đối với người lao động (NLĐ), chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản thuộc các địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương bình quân của NLĐ là 3,817 triệu đồng/tháng. Theo đó, vùng 1 là 4,369 triệu đồng; vùng 2 là 3,86 triệu đồng; vùng 3 là 3,811 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,225 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, mức lương thực nhận trên cao hơn nhiều so với lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng BHXH cho NLĐ từ 10-14% tùy theo từng vùng.

Với mức thu nhập như vậy mà mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) lên tới 4,247 triệu đồng/tháng, trong đó ở vùng 1 là 4.,9 triệu đồng/ tháng. Còn mức sống tối thiểu của NLĐ (không thể thấp hơn được nữa) ở vùng 1 là 4.006.000 đồng.

Đáng chú ý, khi được hỏi có tiền tiết kiệm không, thì có tới 62,2% người lao động trả lời: “không có tiền tiết kiệm”; 37,8% trả lời “có” tiền tiết kiệm, nhưng số tiền không cao. Cụ thể: mức tiết kiệm hàng tháng của người lao động dưới 500 ngàn đồng là 10,7%; từ 500 ngàn – 1 triệu đồng là 10,2%; từ 1 – 2 triệu đồng là 7,4%; từ 2 – 3 triệu đồng là 4,2% và trên 3 triệu đồng/tháng là 4,9%...

“Điều này cho thấy cuộc sống NLĐ vô cùng chật vật” - Ông Chính nói. Cũng theo ông Chính, với kết quả khảo sát là cơ sở để Tổng LĐLĐ thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    62% lao động không có tiền tiết kiệm