Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phát triển công nghiệp có chọn lọc; xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế. Muốn vậy, thì xây dựng nền hành chính thông minh, phát triển kinh tế số đang là vấn đề lớn để thúc đẩy những mục tiêu trên.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính
Theo công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, TP Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 91,43%). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Thủ đô đạt được kết quả này. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó mức thu bằng 0 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 7 ngày 4/7/2023). Dự kiến ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm, và thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.
Có thể nói, đó chính là những giải pháp quan trọng để Hà Nội bứt lên trong việc cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bởi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng là để tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Từ kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 tại TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.
Trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã xây dựng và trình HĐND TP Hà Nội Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Đề án trên chính thức được HĐND TP Hà Nội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp chuyên đề vào hôm qua (4/10).
Đề án này theo UBND TP Hà Nội nhằm tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt ở các sở, ngành và trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của thành phố. Việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận “một cửa” (giảm từ 673 bộ phận “một cửa” còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh” của thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số để nhảy vọt
Với những lợi thế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính (FINTECH) và các hệ sinh thái công nghệ số với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới, sáng tạo, trong những năm qua Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình thúc đẩy quá trình hội nhập, chuyển đổi số. Nhất là triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đưa ra phân tích Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc, có Vùng Thủ đô và đặc biệt Chính phủ giao cho Hà Nội khu công nghệ cao Hòa Lạc và thành lập Trung tâm đổi mới công nghệ Quốc gia tại địa bàn Hà Nội, đồng thời một số nước, tập đoàn kinh tế lớn của các nước cũng thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm của họ tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, các tập đoàn về công nghệ bán dẫn đặt rất nhiều hy vọng sẽ phát triển ở Việt Nam, trong đó Hà Nội là một trong những địa phương đầu tàu.
Theo báo cáo về kinh tế số năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số phát triển kinh tế số của Hà Nội là 17,5%, trong đó chỉ số kinh tế số lõi là 11,9%, tác động kinh tế số làm nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao. Đối với kinh tế Hà Nội, tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm đến trên 60%, trong đó, đóng góp chủ yếu từ đẩy mạnh phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, phát triển các ngành kinh tế số, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, lao động. Với tốc độ phát triển kinh tế số như trên thì tốc độ tăng năng suất của Hà Nội cũng cao hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội xác định việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Theo ông Hải, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.