Khoảng 30% cận thị ở trẻ em liên quan yếu tố di truyền, còn lại 70% là do lối sống sinh hoạt hàng ngày khiến dị tật này tăng nhanh, đặc biệt ở các đô thị lớn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc tật khúc xạ tại Việt Nam đáng báo động, chủ yếu là nhóm học sinh, sinh viên ở thành phố lớn. Tật khúc xạ gồm cận, viễn, loạn thị..., trong đó cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất. Số người mắc tật khúc xạ này tăng mạnh những năm gần đây, cao nhất là Hà Nội và TPHCM với dự đoán có thể lên tới 50 - 70% ở học sinh. Đơn cử, một số khảo sát ở TPHCM cho thấy tỷ lệ cận thị ở trẻ nội thành cao hơn ngoại thành; học sinh cấp 2, cấp 3 mắc nhiều hơn cấp 1. Đặc biệt với học sinh trường chuyên, tỷ lệ cận thị cao hơn các trường khác.
BSCKII Bùi Thị Thu Hương - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga cho biết, trong quá trình khám, chữa bệnh cho các em học sinh tại TPHCM, các bác sĩ nhận thấy, tỷ lệ cận thị ở học sinh nội thành cao hơn ngoại thành, tỷ lệ học sinh cấp 2-3 cận thị cao hơn so với các em học sinh tiểu học. Đáng lưu ý, thời gian học tập nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi thị giác sẽ khiến tình trạng cận thị tăng cao hơn.
BS Hương khuyến cáo, trong lớp học, các thầy cô nên duy trì thời lượng học tập khoa học, tuân thủ quy luật 20 - 20 - 20, tức là làm việc 20 phút, sau đó nghỉ ngơi thị giác 20 giây, nhìn xa 20 feet (tương đương 6m). Ánh sáng khi học tập cần vừa đủ, nếu ánh sáng quá sáng hoặc dưới mặt trời gay gắt không tốt cho mắt.
BS Hương cho hay, cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như việc nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử, sách báo... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không ra ngoài trời sinh hoạt. Các thói quen trên khiến cho cho mắt liên tục điều tiết ở cự ly gần, là nguyên nhân dẫn đến cận thị. Các dấu hiệu thường thấy ở người lớn bị cận thị là nhìn mờ khi vật ở xa; nheo mắt để nhìn; khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, không có hứng thú trong học tập, nhanh mệt mỏi khi làm việc... Riêng trẻ em có xu hướng tiến sát đến tivi để xem, ngại đọc sách hoặc các hoạt động phải nhìn xa; cúi sát mặt khi nhìn sách, điện thoại...; trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu,chảy nước mắt.
BSCKII Phan Hồng Mai - Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt TPHCM) cho biết, trẻ em phải hoạt động ngoài trời ít nhất 2 giờ mỗi ngày. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc đo khám tật khúc xạ định kỳ ít nhất 6 tháng/lần ở những nơi uy tín. Ngoài ra, trẻ cần được giảm áp lực học tập, tăng hoạt động thể chất như chơi các môn thể thao...
Theo BS Mai, hiện đã có thuốc hàm lượng thấp nhỏ mắt sẽ có tác dụng chậm tiến triển độ cận cho những trẻ còn tăng độ cận. Những trẻ này cần được đến bác sĩ khám để có chỉ định dùng thuốc này, giúp giảm độ cận. Ngoài ra, cũng có loại kính đeo ban đêm có tác dụng làm giảm tốc độ tăng độ cận. Loại kính này được chỉ định cho những người có độ cận và loạn thị thấp, cụ thể độ cận dưới 4 độ và độ loạn dưới 1,5 độ. Người sử dụng kính cần vệ sinh kính theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những người sử dụng loại kính này còn được theo dõi hiệu quả điều trị bằng máy đo bản đồ giác mạc ở các cơ sở chuyên khoa có trang thiết bị đầy đủ.
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt...) và cơ thể (mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy...), phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa. Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp nhất, nhưng trên hết cần hiểu, cận thị là một bệnh lý diễn tiến mạn tính có ảnh hưởng thay đổi lâu dài và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý có thể tổn hại nặng nề đến thị giác. Độ cận càng cao thì nguy cơ càng cao. Hậu quả của tiến triển cận thị gây ra những bệnh lý nguy hiểm khác như bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, glôcôm (cườm nước), đục thủy tinh thể (cườm khô)... Do đó, cận thị không chỉ đơn giản là mang kính, cận thị cần phải được điều trị kiểm soát tốc độ tiến triển một cách hiệu quả để từ đó có thể hạn chế nguy cơ tổn hại thị giác trong tương lai của trẻ.