Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa vừa khẳng định đó là nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vinh quang, khó mấy cũng phải làm và làm bằng được.
Trên chặng đường về đích của mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát của năm 2025 này, một lần nữa dưới mái nhà chung MTTQ Việt Nam, lại cần dấy lên tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào. Như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công”, đầu mối tiếp nhận hỗ trợ thông qua Quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận các cấp.
Trong quá trình phát triển của đất nước những năm qua, đại bộ phận nhân dân đã có cuộc sống đầy đủ, ấm no trong những căn nhà kiên cố. Nhưng trên con đường tiến về tương lai cùng nhân loại, quy luật của nền kinh tế thị trường có những chi phối khiến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là không thể tránh khỏi, vẫn còn đó hàng trăm nghìn gia đình đang phải sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp. Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, mang lại mái ấm cho hàng trăm nghìn gia đình là một khát vọng đẹp, để tất cả đồng bào đều được sống trong những ngôi nhà kiên cố.
Nhưng hoàn thành mục tiêu là một thách thức đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong năm 2025. Bởi vì đây là công việc không phải chỉ được hoàn thành bằng mệnh lệnh hành chính mà là công việc muốn hoàn thành, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính phải xuất phát “từ trái tim, nên nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình”.
Cả nước cho đến nay còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 700 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 12 căn/ngày. Thách thức của việc triển khai có thể có nguyên nhân khách quan như tại một số địa bàn gặp khó khăn do người dân sống phân tán, giao thông khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cũng có thể từ nguyên nhân chủ quan mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra như chậm trễ trong việc ban hành các văn bản xác định tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát, chưa hoàn thành thống kê các hộ khó khăn về nhà ở, chưa ban hành hướng dẫn về phương án kinh phí...
Tuy nhiên, có lẽ khó khăn lớn nhất là ở quyết tâm. Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra: Một số địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động, chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê...
Trung bình mỗi tháng phải hoàn thành 700 căn nhà thì từ giờ đến cuối năm mới hoàn thành mục tiêu. Nhưng đó sẽ không phải là một thách thức quá lớn nếu chúng ta quyết tâm, nếu có sự ủng hộ của đồng bào cả nước, nếu từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức đều thể hiện quyết tâm cao nhất. Và nhất là nếu không có sự thiếu trách nhiệm, sự thờ ơ, vô cảm với nhiệm vụ vừa nặng nề vừa vinh quang, cao cả này.