Vào thời khắc định mệnh của mùa hè 1988, khi một vụ tai nạn giao thông thảm khốc cướp đi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ, người ta đánh giá cao tài năng Lưu Quang Vũ ở góc độ một nhà viết kịch khi mà lúc đó, ông đang chói sáng với những kịch bản sân khấu đình đám.
Hai nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, càng ngày người đời càng nhận ra ở góc độ một nhà thơ, ông xứng đáng được xếp vào số những nhà thơ lớn nhất của đất nước thế kỷ 20.
“Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi!”
Càng ngày những câu thơ Lưu Quang Vũ càng được nhiều người nhắc đến như một tài năng độc đáo bộc lộ từ rất sớm. Nhưng câu thơ của thời tuổi trẻ của Lưu Quang Vũ bây giờ đọc lại thật sự cho thấy một cách nhìn đi trước thời gian. Còn nhớ khi còn sống, có lần nhà văn Nguyễn Khắc Phục bảo rằng lúc ông và bè bạn còn chưa có gì thì Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương đã là những gương mặt thơ đang được chú ý. Và “nếu đi hết đường thơ, Lưu Quang Vũ sẽ là nhà thơ lớn nhất của chúng ta” – ông Phục trong một lần cao hứng đã nói như vậy.
Các tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ nổi bật vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Và sẽ còn mãi trong lòng bạn đọc những câu thơ tài hoa vào bậc nhất trong những bài thơ như: “Và anh tồn tại”, “Tiếng Việt”, “Vườn trong phố”, “Bầy ong trong đêm sâu”...
Các chương trình giới thiệu tác phẩm Lưu Quang Vũ diễn ra trong những năm qua bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của công chúng cho thấy sức hút của một tài năng và ông cùng với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mãi mãi là “người trong cõi nhớ” đối với nhiều thế hệ công chúng. Năm nay, mặc dù không phải với quy mô lớn, tuy nhiên, một đêm thơ vào đúng ngày sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thực hiện ở một không gian riêng của cá nhân đạo diễn đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của đông đảo bạn bè, người hâm mộ Lưu Quang Vũ đã cho thấy điều ấy.
Để tổ chức đêm thơ này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình của nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Chị trở lại thăm căn phòng của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh ở 96 phố Huế (Hà Nội) và phục dựng lại nó ở Ơ Kìa Hà Nội. Chị cũng dự kiến sau đêm thơ này, không gian mô phỏng căn phòng 96 phố Huế sẽ được lưu lại tại Ơ Kìa để những người yêu thơ có thể tới tham quan. Đêm thơ này thoạt đầu mang tính ngẫu hứng, nhưng trong quá trình thực hiện nó đã trở nên hấp dẫn hơn, hoàn thiện hơn nhờ sự quan tâm của rất nhiều người đối với đêm thơ này.
Đây chỉ là một trong những hoạt động mà những thế hệ sau này lớn lên, vẫn còn tiếp tục mê thơ Lưu Quang Vũ. Những thế hệ đã kế tiếp dường như không còn biết đến một thời tuổi trẻ đầy tâm trạng của Lưu Quang Vũ “Thành phố thời tôi 17 tuổi/ Viển vông, cay đắng, u buồn” nhưng có lẽ họ vẫn cảm nhận được một tâm hồn thi ca đích thực với những câu thơ còn lại với thời gian:
“Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên
Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt!”