Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trên cả nước. Ra đời cách đây 75 năm, Lời kêu gọi của Người có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng đất nước hùng cường.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác thi đua. Người căn dặn: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất". Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, làm nên sức mạnh của cả dân tộc. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Thi đua yêu nước - nền tảng của các phong trào
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, của đất nước. Ngay từ những ngày đầu phát động, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Phong trào Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, vận động Đời sống mới, Quỹ Độc lập, thi đua trong lao động sản xuất... Trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, Người căn dặn: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (1/3/1950); thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” (2/1951), “thi đua đóng thuế nông nghiệp” (3/1953)... Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ này có sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đã đặt nền móng cho các phong trào thi đua sau này, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người mà còn nêu cao tinh thần yêu nước, thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn. Để các phong trào thi đua mang lại ý nghĩa thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân; các phong trào thi đua phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Đáng chú ý, Người chỉ rõ, “thi đua chứ không phải ganh đua” mà cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. Thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
Bà Phạm Thị Vách - người phụ nữ quê Hưng Yên được Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi mới 22 tuổi do có thành tích gắn liền với công trường “Đại thủy nông Bắc Hưng Hải” lớn nhất miền Bắc 67 năm trước. Công trình thủy lợi đã đem lại lợi ích hàng trăm năm cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn. Bà Vách nhớ lại: “Bấy giờ theo Lời kêu gọi của Bác Hồ, hàng ngày tôi làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 9 giờ đêm mới về. Tôi công tác ở xã làm chủ nhiệm 3 năm; làm Bí thư, Chủ tịch 10 năm, xong đi thoát ly 17 năm ở huyện. Suốt thời gian công tác, tư tưởng sẵn sàng, dù gia đình khó khăn, tôi bơi qua sông Hồng đi làm nhưng không bao giờ nhỡ việc”.
Kết quả thi đua phải cụ thể, không chung chung
75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất Tổ quốc; qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành.
Đặc biệt, trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới. Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35 ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39 ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng... Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013); Luật Thi đua, khen thưởng (2022). Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị định số 42 ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91 ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng...
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, đi vào cuộc sống.
Trong bối cảnh hiện nay, theo PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kỷ niệm 75 năm “Lời kêu thi đua gọi ái quốc” là dịp để chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng để không có câu chuyện “chạy thi đua”, “chạy thành tích”. Ông Lý cho rằng cần kiểm soát kỹ càng và kết quả thi đua phải ra kết quả gì, sản phẩm gì, chứ không phải thứ chung chung, không phải những báo cáo trên giấy. “Phải đem lại cho tập thể những gì? đem lại cho nhân dân những gì? Một địa phương nói thi đua tốt thì địa phương đó phải giàu lên, phải phát triển lên, nhân dân phải phấn khởi hơn, xã hội không có tội phạm, tệ nạn, không còn người nghèo. Thi đua cá nhân điển hình, có những người được thành tích suất sắc mà tập thể đó ì ạch, vẫn kém, không có gì thay đổi thì cũng là hình thức” - PGS Lê Quốc Lý chia sẻ.
Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước
5 năm trước, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ôn lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm lại những công việc chúng ta đã làm trong thời gian qua và biểu dương, tuyên dương những tập thể và cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ái quốc, nhằm đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm; tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục. Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy...
Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cần đẩy mạnh việc đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” của không ít cán bộ công chức, khiến bộ máy trì trệ, khó khăn kéo dài, mất thời cơ phát triển của đất nước.
Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa các phong trào thi đua; mạnh mẽ đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, biến chất cũng chính là thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 75 năm trước.