77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố

Nhóm PV 18/03/2021 12:31

Tính đến ngày 17/3/2021, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố. Như vậy, tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/1 đại biểu được bầu.

Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV.

Sáng 18/3, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

Chủ trì Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.

Tỷ lệ ứng cử viên: 2,3 người/ 1 đại biểu được bầu

Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam về tình hình giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết, tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu; các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu là 205 người.

Ở địa phương, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử ĐBQH trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu, đạt tỷ lệ bình quân là 2,95 lần so với số đại biểu được bầu ở địa phương (chưa tính số người tự ứng cử).

Như vậy, nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu (205 người) thì tổng số người được giới thiệu ứng cử là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử/1 đại biểu được bầu. Một số địa phương có số lượng người giới thiệu ứng cử so với số đại biểu được bầu đạt tỷ lệ cao như Quảng Ninh 4 lần; Thái Nguyên 3,1 lần; Tuyên Quang 2,5 lần...

Về số lượng người tự ứng cử, tính đến ngày 17/3/2021, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố. Trước đó tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, thành phố dự kiến có người tự ứng cử. Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội (30 người), TP HCM (16 người). Như vậy, tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/ 1 đại biểu được bầu.

Đối với ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 người; tổng số người được giới thiệu ứng cử là 7.448 người, giảm 208 người so với tổng số được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử (7.656 người). Về số lượng người tự ứng cử, hiện có 47 người tự ứng cử nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 ở 23 tỉnh thành, cao hơn so với số dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (hội nghị hiệp thương lần thứ nhất chỉ có 5 tỉnh thành đã dự kiến số lượng người tự ứng cử với tổng số khoảng 20 người).

Tại Hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm cử cử tri nơi cư trú

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chân thành cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị; đồng thời khẳng định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động trong chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, triển khai thực hiện của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các ban, bộ, ngành, địa phương, các công việc của cuộc bầu cử sẽ được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và những yêu cầu đã đề ra.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với MTTQ địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thông tin thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Nghị quyết điều chỉnh lần thứ 2 cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Thời gian chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Rút kinh nghiệm từ Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn "các cụ, các vị, các đồng chí tiếp tục quan tâm, góp ý, dành thời gian dự các hội nghị để Mặt trận hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố