Nằm ven con sông Cà Lồ, xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Tại đây, Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay đã xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 25/1/1942. Và cũng tại nơi đây, ngày 8/12/1942, Chi bộ Xuân Kỳ - Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) được thành lập.
Đông Xuân - cái nôi cách mạng
Đến xã Đông Xuân hôm nay vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những dấu tích của một thời phong trào cách mạng sôi nổi. Từ gốc đa thôn Cả là nơi liên lạc, hội họp của cán bộ cách mạng đến đền Cả, đền Trôi, thôn Bến… đều từng là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Dấu tích cách mạng đặc biệt ở Đông Xuân còn là ngôi nhà lưu niệm ghi dấu Báo Cứu Quốc ra số báo đầu tiên. Ngày 25/1/1942 tại nhà ông Nguyễn Văn Hưu ở thôn Xuân Kỳ, số báo đầu tiên của Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay) - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời. Kể từ đó cho tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề, Báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công...
Trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, Báo Cứu Quốc cử một đoàn cán bộ, phóng viên vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
80 năm qua, tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận. Và cũng trong hành trình ấy, Báo Đại Đoàn Kết luôn có sự gắn bó, đồng hành cùng Chi bộ đảng Xuân Kỳ qua các thời kỳ.
Bên tấm bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Quá - Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân kể cho chúng tôi về truyền thống cách mạng của quê hương Đông Xuân anh hùng. Trước Cách mạng Tháng Tám, các thôn của xã Đông Xuân ngày nay thuộc 2 làng Đông Tảo và Xuân Kỳ, tổng Phủ Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Lúc đó dân số khoảng 2.000 người, diện tích đất tự nhiên khoảng 1.200 mẫu.
Vùng đất Đông Xuân là nơi có nhiều điều kiện giao thông thuận lợi như đi sang Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), sang Yên Phong (Bắc Ninh), đi Hiệp Hòa (Bắc Giang), đi Phổ Yên (Thái Nguyên), đi Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nên đã được Trung ương Đảng chọn làm địa bàn xây dựng thành cơ sở cách mạng đảm bảo an toàn và giữ thông tin liên lạc với cơ quan Trung ương đóng ở an toàn khu tại tỉnh Phúc Yên.
Từ cuối năm 1941, nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, đảm bảo cho các đồng chí cán bộ Trung ương, xứ ủy, Ban cán sự tỉnh qua lại hoạt động đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhân dân Đông Xuân cũng như nhân dân 2 huyện Kim Anh, Đa Phúc. Mặc cho địch lùng sục gắt gao, những người dân Đông Xuân vẫn bất chấp hiểm nguy để nuôi giấu chở che cho các cán bộ Trung ương, Xứ ủy như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Lê Toàn Thư… về ăn ở, làm việc và gây dựng phong trào cách mạng.
Cũng trên mảnh đất lịch sử này, ngày 8/12/1942, tại miếu Gia Thờ, Chi bộ Xuân Kỳ - chi bộ đảng đầu tiên của huyện Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn) đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Xuân Kỳ, phong trào cách mạng ở Đông Xuân và các xã lân cận phát triển nhanh chóng. Ngày 17 và 18/8/1945, cùng với Phù Lỗ, Đông Xuân là nơi giành được chính quyền sớm nhất huyện Kim Anh.
Tiếp nối truyền thống, vững bước trên chặng đường đổi mới
77 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Trong dòng chảy lịch sử ấy, Đông Xuân tự hào là cái nôi cách mạng của huyện Sóc Sơn, tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước.
Phát huy truyền thống của lớp lớp cha anh, Đông Xuân hôm nay đang vươn mình đổi thay mạnh mẽ. Về với Đông Xuân giờ đây là những con đường được mở mang rộng rãi thuận lợi cho việc giao thương. Cùng với đó nhiều dự án, công trình trọng điểm như hệ thống giao thông liên xã, huyện, đường trục thôn, hệ thống điện, thủy lợi, các thiết chế văn hóa được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tạo nên diện mạo mới của một vùng quê văn minh, giàu đẹp.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, các tầng lớp nhân dân đã tập trung dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hình thành những vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình sản xuất rau an toàn ở Đông Xuân hiện là nguồn cung cấp sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng cho thị trường tiêu dùng của huyện Sóc Sơn và Thủ đô Hà Nội. Hay mô hình trồng hoa nhài cung cấp nguyên liệu cho sản xuất chè cũng mang lại thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Quá cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đông Xuân, nhiệm kỳ 2020-2025, năm 2022, tốc độ phát triển kinh tế của xã Đông Xuân ước đạt 8,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với sự phát triển đa dạng các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Nếu như trong năm 2021, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 52,8 triệu đồng/năm, thì hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 64 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, công tác y tế, giáo dục và các chính sách xã hội, giảm nghèo được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2022, qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 2 hộ (chiếm 0,05%), hộ cận nghèo còn 91 hộ (chiếm 2,4%).
“Năm 2015, Đông Xuân là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Sóc Sơn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và người dân Đông Xuân đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu đưa địa phương cán đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024” - ông Quá cho biết.
Ngày 8/12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Xuân sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ đảng Xuân Kỳ. Chia sẻ cảm xúc về sự kiện đầy ý nghĩa này, Bí thư Đảng ủy Đông Xuân Nguyễn Văn Quá cho rằng: Ngọn lửa của tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng của các đảng viên kiên trung đầu tiên đã khơi nguồn, soi sáng con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chỉ lối để cán bộ, đảng viên, nhân dân Đông Xuân hôm nay tiếp tục phát huy, góp sức xây dựng quê hương.
Trên chặng đường phát triển, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và người dân Đông Xuân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Đông Xuân, huyện Sóc Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Ngày 8/12/2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Xuân sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ đảng Xuân Kỳ, chi bộ đầu tiên của huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay là Đảng bộ xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Với những thành tích đã đạt được trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Đông Xuân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Năm 2002, xã Đông Xuân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.