A.G.Eiffel - bậc thầy ‘phù thủy sắt thép’

ĐĂNG NGỌC 27/03/2023 07:16

Cách đây 100 năm, cha đẻ của ngọn tháp Eiffel, làm nên biểu tượng của nước Pháp, đã ra đi. Lấy 2023 là “năm Eiffel”, đó là dịp để hậu thế nhắc lại sự nghiệp kiến trúc to lớn của A.G.Eiffel. Với Việt Nam, dấu ấn sự nghiệp của ông là những cây cầu vắt qua thế kỷ 19 tới ngày nay.

Một sinh viên thông minh

Chân dung A.G.Eiffel.

Alexandre Gustave Eiffel (15/12/1832 - 27/12/1923) sinh tại Dijon, Pháp, trong một gia đình có mẹ làm quản lý một cơ sở kinh doanh gỗ, bố là cựu chiến binh. Cái tên Eiffel được cha đặt cho cậu con trai yêu quý là để ghi dấu nơi ông đã sinh sống tại vùng Eifel Đức từ đầu thế kỷ 19.

Bạn đồng trang lứa vẫn nhớ tới một chàng sinh viên Eiffel thông minh, nhưng có lúc chán học khi cứ phàn nàn “các buổi học là một sự phí phạm thời gian”. Năm 20 tuổi, anh theo học ngành Hóa học tại trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp - École centrale Paris. Sau khi tốt nghiệp, Eiffel lại chuyển sang học ngành Luyện kim.

Ra trường, người chú của Eiffel mời anh về làm việc tại xưởng sản xuất giấm ở Dijon, Pháp nhưng sau đó anh chọn làm cho một công ty thiết kế cầu đường sắt. Trong quá trình xây dựng, các kỹ sư lớn tuổi quản lý dự án dần nghỉ việc, ông chủ Charles Nepveu trao cho Eiffel quản lý dự án cầu đường sắt ở Bordeaux và sau đó giao cho anh những dự án cầu đường sắt khác.

Chính thời gian này Eiffel học hỏi được ở các kỹ sư đàn anh rất nhiều kỹ thuật cầu đường. Cùng với trí thông minh, anh đã tìm ra kỹ thuật sử dụng giếng chìm hơi nén để đào, xây móng trụ cột cầu, cùng với đó là kỹ thuật rèn sắt đặc biệt làm chậm quá trình rỉ sắt. Có thể nói Nepveu là người có ảnh hưởng lớn tới Eiffel, giúp anh trở nên thành công hơn với những dự án xây dựng trong tương lai.

Tìm ra vẻ đẹp của sắt thép

Nếu thế kỷ 20 là kỷ nguyên của Internet thì thế kỷ 19 là của ngành công nghiệp xây dựng, đặc biệt là cầu đường. Trên toàn thế giới rất nhiều cây cầu, con đường được xây dựng, đi liền với đó là tên tuổi những kiến trúc sư, doanh nghiệp xây dựng, trong đó có A.G.Eiffel. Một thách thức trong sự nghiệp của Eiffel là đưa ra các vật liệu xây dựng mới. Nhưng từ dự án cầu đường sắt ở Bordeaux và phát kiến kỹ thuật đào móng, luyện kim đó Eiffel lại đi tiên phong xây dựng nhiều cây cầu bằng thép kết hợp với vật liệu khác khiến ông trở thành “bậc thầy phù thủy sắt thép”.

Ông đã làm cho những thanh sắt thép giá lạnh trở nên có hồn, sinh động, duyên dáng qua những cây cầu và các kiến trúc khác có liên quan tới sắt thép. Rồi A.G.Eiffel nổi tiếng trên thế giới với ngọn Tháp Eiffel và tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ. Ở Việt Nam, Eiffel đã xây nhiều công trình, trong đó có những cây cầu nay vẫn là điểm đến của du khách: Cầu Lạc Long ở Hải Phòng, cầu Tràng Tiền ở Huế, cầu Mống ở Sài Gòn và “có thể nói” là cầu Long Biên ở Hà Nội.

Vì sao lại “có thể nói” như vậy? Vì vào thời điểm ban đầu chưa tìm thấy những tài liệu để lý giải chắc chắn cây cầu Long Biên lịch sử này là do Eiffel hay ai xây dựng. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer - người đặt viên đá đầu tiên khởi công cầu vào tháng 9/1898 và cầu có tên cũ - cầu Paul Doumer, bắc qua sông Hồng. Cầu được xây dựng bằng 5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì. Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp, không vượt quá dự trù là bao nhiêu. Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Trên một số phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta trước đây xuất hiện tin: Kiến trúc sư A.G.Eiffel là người thiết kế cầu Long Biên. Trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - Đại sứ quán Pháp, Tổng cục Lưu trữ Pháp tổ chức Triển lãm “Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội giai đoạn 1875 - 1945, từ ngày 1/10 đến ngày 16/10/2009 tại 24 phố Tràng Tiền. Trong số các tài liệu lưu trữ đưa ra triển lãm mà tôi và nhiều người tới xem đã nhìn thấy 2 bản vẽ thiết kế cầu Long Biên.

Ngược dòng lịch sử, năm 1897, chính quyền thuộc địa Đông Dương mời thầu xây dựng chủ yếu dành cho các công ty của Pháp. Khi đấu thầu xây dựng cầu Long Biên, công ty Etablissements Eiffel, là một trong 6 nhà thầu tham gia nộp bản vẽ thiết kế, nhưng không trúng thầu, chỉ có công ty Daydé & Pillé trúng thầu. Trong các bản vẽ thiết kế cầu Long Biên của Daydé & Pillé hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, có các chữ ký gốc của các kỹ sư của Daydé & Pillé cùng chữ ký gốc phê duyệt bản vẽ của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, không có chữ ký nào của Eiffel.

Nếu ai có dịp tới thăm cầu Long Biên, hiện nay đầu cầu vẫn có biển ghi tên nhà thầu “Daydé & Pillé”, phía trên là năm khởi công và khánh thành. Có sự nhầm lẫn về cha đẻ của cây cầu này, nguyên nhân chính có lẽ, đây là một cây cầu sắt, mà cầu sắt thường gắn tên Eiffel. Nhiều cây cầu của Eiffel không đòi hỏi phải có thợ tay nghề cao để lắp ráp, khiến chúng trở thành một lựa chọn rất kinh tế thời đó. Doanh nghiệp của Eiffel đã xây dựng khoảng 60 cầu đường sắt và cầu đường bộ, hơn chục khu chợ ở Việt Nam trong thời gian Pháp thuộc.

Năm 1898, cùng năm khởi công xây cầu Long Biên, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cũng quyết định xây cầu bắc qua dòng sông Hương - cầu Huế, tên gọi cũ cầu Tràng Tiền. Lại có sự nhầm lẫn đáng yêu nữa, người Huế và du khách thập phương đều truyền tụng chiếc cầu sắt này cùng với Tháp Eiffel ở Paris là “anh em ruột” cùng một “người cha” A.G.Eiffel. Nhưng các tài liệu lưu trữ trong văn khố Pháp đã cho thấy không phải như vậy. Tuy nhiên công ty của Eiffel lại in đậm dấu ấn trong quá trình tu sửa cầu Tràng Tiền - cuộc trùng tu kéo dài 2 năm 1937-1939, thời vua Bảo Đại. Và lần thứ 2 là năm 1953, công ty Eiffel được mời trở lại tái thiết cây cầu, đơn vị thực hiện tu sửa lần này là “hậu duệ” của Eiffel.

Một trong những công trình ở Nam Kỳ do công ty Eiffel xây dựng vẫn còn đến ngày nay là cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4 (TPHCM). Cầu Mống ngày nay đã trở thành địa điểm tham quan của du khách.

Cầu Long Biên hiện nay. Ảnh: Lê Khánh.

Tâm huyết với ngọn Tháp

Không chỉ là một kiến trúc sư - doanh nhân tài ba, A.G.Eiffel còn là người đức độ, có phương pháp quản lý công trình xây dựng với yêu cầu đảm bảo tính mạng con người là trên hết thể hiện qua khẩu hiệu “Tai nạn lao động bằng 0”. Một ví dụ điển hình, là tại công trình xây cầu bắc qua sông Garonne ở Bordeaux, nơi ông lần đầu tiên làm quản lý. Một công nhân không biết bơi đã rơi xuống sông, Eiffel không ngần ngại nhảy xuống cứu người đó.

Ông đã xả thân mình để bảo đảm an toàn cho công nhân. Các công trình Eiffel xây dựng, hầu như không có hoặc rất ít khi xảy ra tai nạn. Nhưng cuộc đời thật éo le. Năm 1889, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và danh vọng - hoàn thành công trình tháp Eiffel và tượng Nữ thần Tự do, Eiffel đã dính vào vụ bê bối trong dự án xây dựng kênh đào Panama. Hợp đồng với công ty kênh đào Panama xây dựng 10 cống thủy lợi, chốt đóng mở trên kênh, trị giá 125 triệu franc mà công ty của Eiffel nhận được 20% lãi, Eiffel bị cáo buộc tham nhũng. Dù thiếu cơ sở pháp lý nhưng ông đã bị kết án 2 năm tù và phải nộp 2.000 franc tiền phạt. Bản án này sau đó được Tòa Phá án của Pháp huỷ bỏ.

Tai nạn nghề nghiệp không làm ông nhụt trí, sau đó ông vẫn lao vào nghiên cứu khoa học trong 3 lĩnh vực: Điện báo không dây, khí tượng và hàng không. Eiffel cũng đã chế tạo các mẫu máy bay mà một vài công nghệ vẫn được sử dụng trong ngành hàng không đương đại. Nhưng tâm huyết của ông vẫn dành cho ngọn Tháp.

Ông nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới thông qua công năng sử dụng Tháp Eiffel. Ông đã xây dựng một đường hầm gió tại đáy Tháp để nghiên cứu khí động học, đặt các thiết bị khí tượng ở nhiều vị trí trên tháp và đề nghị Quân đội Pháp lắp đặt thiết bị radio trên đỉnh Tháp. Sau đó Tháp tiếp tục được sử dụng cho truyền phát radio rộng rãi và cuối cùng được dùng để phát sóng truyền hình. Ông ra đi ở tuổi 91, 11 năm trước khi sóng truyền hình được phát đi từ ngọn Tháp Eiffel khiến tên tuổi ông càng trở thành bất tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    A.G.Eiffel - bậc thầy ‘phù thủy sắt thép’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO