Hiện nay có 4 nhóm lĩnh vực y học mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nghiên cứu áp dụng rất mạnh mẽ, bao gồm chẩn đoán bệnh; nghiên cứu, phát triển thuốc; tối ưu hóa cho điều trị từng cá nhân; chỉnh sửa gen. Tại Việt Nam thời gian qua, nhiều sản phẩm ứng dụng AI đã được Bộ Y tế cho thí điểm để chẩn đoán 13 loại ung thư.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: Gần đây, AI đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc tự động chẩn đoán bệnh, giúp cho việc chẩn đoán rẻ, nhanh và dễ tiếp cận hơn.
Các dữ liệu khổng lồ về hình ảnh bình thường, bệnh lý, các chỉ số cơ thể… sẽ được các nhà khoa học “dán nhãn”, nạp vào máy tính, sắp xếp, xử lý…, từ đó máy tính có thể nhận diện, phân loại rồi đưa ra các chẩn đoán khi chúng tiếp xúc với một dữ liệu nào đó của bệnh nhân. Nó giống như các bạn sinh viên mất trên dưới 10 năm để học y, đi bệnh viện thực hành để nhận diện các mặt bệnh và ghi nhớ rồi sau này ra trường đi làm gặp lại bệnh nhân tương tự thì bộ nhớ đã có để nhận biết.
Tuy vậy, máy tính “học” nhanh hơn, “nhớ” chính xác hơn và số lượng dữ liệu nhớ thì gần như bất tận, nên AI giỏi chẩn đoán không kém gì các chuyên gia hàng đầu và nó có thể được sao chép lại trên toàn thế giới một cách nhanh chóng và ít tốn kém.
Với chẩn đoán bệnh, AI rất mạnh trong các nội dung như phát hiện ung thư phổi hoặc đột quỵ dựa trên các phim chụp; đánh giá nguy cơ đột tử do các bệnh tim dựa trên điện tâm đồ và hình ảnh cắt lớp, cộng hưởng từ tim; phân loại tổn thương da trên những hình ảnh da được cung cấp; đánh giá bệnh võng mạc, tiểu đường thông qua hình ảnh soi đáy mắt.
Ngoài ra, các dự án tham vọng hơn của AI liên quan đến sự kết hợp của nhiều nguồn dữ liệu (cắt lớp, cộng hưởng từ, giải trình gen, dữ liệu bệnh nhân cụ thể…) để đánh giá một căn bệnh hoặc tiên đoán sự tiến triển của nó.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhiều sản phẩm ứng dụng AI đã được Bộ Y tế cho thí điểm để chẩn đoán 13 loại ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phú Thọ…
Trí tuệ nhân tạo đang mở rộng sang các lĩnh vực mà trước đây được cho là chỉ dành cho các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe con người như chẩn đoán các bệnh hiếm gặp, tìm ra các lỗ hổng trong chăm sóc y tế, giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong tương lai, sử dụng AI trong ngành y tế sẽ dần phổ biến, tương tự công nghệ thông tin đang dần thay bệnh án giấy.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền
Dù chưa phát triển mạnh, nhưng ứng dụng AI trong ngành y tế đang dần trở thành xu hướng và có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Hàng năm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân nghi mắc lao đến khám bệnh.
Riêng trong năm 2022, bệnh viện đã khám sàng lọc 3.000 bệnh nhân, trong đó phát hiện 500 ca mắc lao. Để giúp chẩn đoán nhanh mà không bỏ sót các trường hợp mắc lao ngay ở giai đoạn sớm, cơ sở y tế này đã ứng dụng AI đọc phim X-quang phổi và phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, hỗ trợ bác sĩ sàng lọc bệnh lao phổi từ năm 2021. Ứng dụng đã hỗ trợ công tác phòng chống bệnh lao đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong khi đó, tại Bệnh viện K, cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước đang thử nghiệm một dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp.
PGS.TS Trần Thị Thanh Hương - Giám đốc phụ trách Viện Ung thư Quốc gia (trực thuộc Bệnh viện K) chia sẻ: AI trong dự án này được đào tạo trên tập dữ liệu của 1.800 bệnh nhân người Việt.
Sau khi đào tạo xong, mô hình AI sẽ có thể đọc các bức ảnh siêu âm để phát hiện ra các nốt tuyến giáp trong ảnh, dự báo mức độ lành tính/ác tính cho khu vực được sàng lọc và xác định đặc điểm của nốt tuyến giáp theo phân loại hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh tuyến giáp ACR TI-RADS. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp.
Không chỉ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn trong khám bệnh, việc ứng dụng AI vào chữa bệnh cũng giúp làm giảm thời gian điều trị và nằm viện cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay: Hiện nay, bệnh viện đã đưa vào sử dụng robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân.
Với việc sử dụng các robot này, trước khi phẫu thuật, các thầy thuốc sẽ thiết kế, dựng khuôn hình tổn thương bằng phim chụp cắt lớp, sau đó nhập dữ liệu đó vào máy tính. Hệ thống máy tính sẽ phân tích xem kích cỡ, mức độ hay độ sâu tổn thương, từ đó đưa ra gợi ý về độ nông - sâu, dày - mỏng của lát cắt, rồi thiết kế trên hệ thống robot. Sau đó, các dữ liệu được cài hệ thống chương trình, cánh tay robot cho phép thầy thuốc cắt đúng kích thước mong muốn, đúng kích cỡ tổn thương của người bệnh.
Ngoài ra, AI sẽ hỗ trợ bác sĩ tính toán, thiết kế đặc thù cho mỗi người bệnh với chiều cao, độ tuổi, giới tính, tổn thương riêng biệt… Điều này giúp việc phẫu thuật đạt độ chính xác, lợi ích cuối cùng là giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất có thể.
Nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chữa bệnh là một quá trình vô cùng tốn kém và mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên hiện nay AI đã được sử dụng thành công trong cả 4 giai đoạn chính của quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc (đánh giá các đích tác dụng; tìm kiếm được đúng các phân tử thuốc/các thuốc có khả năng liên kết với đích đã chọn; kiểm tra hợp chất mới trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng về độ an toàn, hiệu quả; đạt được sự chấp thuận và đưa thuốc mới tới tay các bác sĩ và bệnh nhân), vì vậy, tương lai chúng ta kỳ vọng việc phát triển thuốc sẽ vô cùng nhanh và rẻ hơn nhiều.
“Trước đây, mỗi loại thuốc phải mất 5 - 10 năm nghiên cứu với chi phí tối thiểu 1 - 2 triệu USD. Các công đoạn sàng lọc, chuyển đổi mục đích thuốc, thiết kế thuốc, cũng như kế hoạch tổng hợp phân tử thuốc có thể được tăng tốc nhiều lần bởi AI”, bác sĩ Trần Quốc Khánh lý giải.
Theo nhận định từ các chuyên gia, hiện nay AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá: “Với những tiến bộ gần đây trong việc thu thập dữ liệu số hóa, cơ sở hạ tầng máy học và máy tính, AI đang mở rộng sang các lĩnh vực mà trước đây được cho là chỉ dành cho các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe con người như chẩn đoán các bệnh hiếm gặp, tìm ra các lỗ hổng trong chăm sóc y tế, giảm chi phí cho bệnh nhân.
Trong tương lai, sử dụng AI trong ngành y tế sẽ dần phổ biến, tương tự công nghệ thông tin đang dần thay bệnh án giấy”.