Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an đã nhận được sự quan tâm của các ĐBQH.
Nhiều băn khoăn
Nhiều ĐB đã bày tỏ băn khoăn và không đồng tình với việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an tổ chức thực hiện.
Theo ĐB Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) tình trạng tai nạn giao thông tăng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri băn khoăn khi quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe” được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
“Dù Bộ Công an có gửi tài liệu cho ĐBQH nghiên cứu nhưng thấy rằng chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho Bộ Công an sẽ gây xáo trộn, lãng phí cơ sở vật chất và cán bộ công chức. Do đó cần có đánh giá tổng kết vấn đề này. Nếu giao cho Bộ Công an vậy ai sẽ kiểm tra giám sát? Phải có cơ quan giám sát để còn ngăn chặn tiêu cực. Nếu chưa làm rõ được điều này thì cử tri cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay là giao cho Bộ GTVT quản lý” - bà Lam bày tỏ.
ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần đánh giá kỹ tác động Dự án luật, nhất là còn nhiều chính sách chưa được đánh giá đầy đủ. Các đánh giá tác động hiện nay chỉ mang tính định tính. Đơn cử như các nguyên nhân dẫn đến tai nạn cái nào do hành vi? Cái nào do kết cấu hạ tầng? Cái nào do phương tiện? Giờ chuyển sang Bộ Công an quản lý liệu có tốt hơn không? Cái đó phải có các phương án đánh giá.
"Trước năm 1995 vấn đề này do Bộ Công an quản lý nhưng từ năm 1995 đến nay giao cho Bộ GTVT quản lý. Vậy từ năm 1995 đến nay có cái gì chưa tốt mà phải thay đổi? Ví như vấn đề bằng giả thì ngành nào cũng có. Rồi sổ đỏ, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, bằng cấp cũng giả. Chả nhẽ giờ muốn thật thì chuyển hết cho Bộ Công an quản lý?” - ông Phong đặt vấn đề đồng thời cho rằng cần đánh giá kỹ càng, cụ thể hơn. Bộ Công an chỉ nên tập trung xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ hiện đại, còn các vấn đề dân sự khác nên để cho các ngành khác. Nhất là hiện không có nhiều nước giao cho công an quản lý. Do đó vấn đề bằng giả cần tăng cường công tác thanh tra xử lý chứ không phải cứ bằng giả là chuyển cho ngành Công an quản lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phân tích: Việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe từ năm 1995 đã giao cho Bộ GTVT quản lý. Ngay trong báo cáo của Chính phủ không nêu lên vấn đề bất cập của việc chuyển cho Bộ GTVT. Như vậy là đang làm tốt, vậy tại sao giờ lại chuyển cho Bộ Công an? Còn chuyện bằng giả là vấn đề khác. Chưa kể giờ chuyển cho Bộ Công an thì hơn 2.000 cán bộ làm công tác sát hạch và cơ sở vật chất sẽ đi đâu? Không cẩn thận sẽ lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất do đó cần tính toán thêm.
"Ngay Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X có ghi một số nhiệm vụ của Quốc phòng, Công an nếu đủ điều kiện dân sự hóa thì nên chuyển cho Bộ khác quản lý để Quốc phòng, Công an tập trung xây dựng lực lượng Quốc phòng, Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nếu Bộ GTVT đang làm tốt thì cứ để Bộ GTVT” - ông Quyền nói và cho rằng làm sao để công tác cấp bằng cho tốt, ví như điều kiện học lái xe thời gian bao lâu? Sát hạch ra sao? Cần nâng cao quản lý, trường hợp mua bằng phải cương quyết xử lý.
Không phải quyền ông này, quyền ông kia
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: Nước ta nhiều năm loay hoay với các vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tai nạn giao thông (TNGT), tuy nhiên việc kéo giảm TNGT cũng chưa hiệu quả. Trước đây có ngày 40 người tử vong vì TNGT. Hiện nay mặc dù đã nỗ lực để kéo giảm TNGT nhưng số người tử vong vì TNGT vẫn cao, trung bình một năm khoảng 10.000 người, chia trung bình tháng có 833 người, còn một ngày 27 người.
Theo ông Vương, vấn đề sát hạch lái xe giao cho lực lượng Công an không phải là việc mới. Cách đây khoảng 30-40 năm, khi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường bộ nếu thấy nghi ngờ một chiếc xe khách đang lưu thông có kỹ thuật kém, thì cảnh sát giao thông có quyền dừng xe, mời bà con đi xe khách đó xuống để kiểm tra bằng cách đi thử. Nếu thấy kỹ thuật không đảm bảo, phanh không an toàn, cảnh sát giao thông có quyền đình chỉ xe khách đó chạy.
“Việc kiểm soát lái xe trước đây chúng ta đã làm chặt chẽ. Thời trước nếu nói đến xe khách của nhà nước thì tài xế phải từ 25 tuổi trở lên, còn yêu cầu là đảng viên, còn ưu tiên bộ đội đã trải qua lái xe ở chiến trường. Từ đó phải tính lại cả chuyện Luật này phân công thế nào, chứ không phải vấn đề quyền ông này, quyền ông kia”- ông Vương nói.
Đồng thời ông Vương cho rằng: “Ôm cái này nó mệt lắm, làm không tốt là bị dân ca thán, bị các ĐBQH phê bình. Trong Luật này chuyển sát hạch lái xe sang bên Công an thì các trung tâm đào tạo lái xe vẫn hoạt động bình thường, chứ không phải chúng tôi áp đặt toàn bộ việc đó…”.
Quốc hội quyết GDP năm 2021 tăng khoảng 6%
Cùng ngày, với 89,21% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021.
Theo đó, Quốc hội quyết tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 tăng khoảng 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người. Để thực các chỉ tiêu, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19; đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.
Cùng với đó, chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.