Ai về Vạn Phúc…

TRANG THANH 08/04/2023 07:16

Có một thời gian tôi sống ở La Khê, gần làng Vạn Phúc. Tôi cũng mê lụa, nên thường ghé chơi làng lụa, có khi mua, có khi chỉ để ngắm nhìn. La Khê xưa có lẽ là nơi giặt lụa. Giờ La Khê chẳng còn gì bóng dáng của nghề lụa đã từng nổi danh một thời. Nhưng Vạn Phúc thì vẫn là làng lụa.

Ảnh: Lê Minh.

Cả một phố dài lung linh sắc màu tơ lụa, ngày đêm đều đặn lách cách tiếng thoi đưa. Cả một ngôi làng may lụa, bán lụa, có những nghệ nhân ở làng này may áo dài rất đẹp, giờ lại phục dựng chiếc áo ngũ thân truyền thống và trào lưu mặc áo dài ngũ thân đang lan tỏa.

“Em về Vạn Phúc cùng anh…” Phố lụa Hà Đông nằm trong tour du lịch làng nghề Hà Nội đón du khách đến tham quan nơi từng là trung tâm tơ lụa nổi tiếng nhất cả nước một thời. Ngoài khách Việt thì du khách tìm đến Vạn Phúc nhiều nhất là khách châu Âu. Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc hiện có hơn 500 hội viên, mỗi năm sản xuất khoảng 2 triệu mét lụa, đáp ứng việc làm cho gần 1.500 lao động.

Làng lụa Vạn Phúc nhỏ hơn nhiều nếu so với khu phố tơ lụa ở Hội An. Chỉ chừng một giờ đi bộ để thỏa thuê la cà xem xét, mặc thử và khảo giá. Sẽ thấy, các sản phẩm ở đây “na ná giống nhau, rộng thùng thình, kiểu dáng lạ lẫm”, khiến nhiều người Việt nghĩ, “chắc chỉ để bán cho Tây”. Một phần sự thật có lẽ như vậy. Nhưng thời trang vốn đa dạng, biến hóa, và hoàn toàn có quyền giao thoa, ảnh hưởng. Người Việt giờ cũng chuộng kiểu cách ăn mặc Tây hóa. Freesize hoặc Oversize, nhìn tưởng thùng thình thế thôi, mặc lên rất phong cách, lại thoải mái, hiện đại. Những kiểu cách này ở Phố Lụa khá nhiều, nhưng kiểu dáng truyền thống vẫn là cơ bản. Đặc biệt, ở đây, ta có thể mua một tấm lụa do đích thân các nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc dệt nên, điều ấy chẳng phải là rất thích thú.

Nhưng nếu mua phải một tấm lụa hay một bộ áo dài vải lụa Trung Quốc thì sao? Điều ấy hoàn toàn có thể. Phố Lụa bán lẫn nhiều lụa nhập khẩu, nhưng cái hay là người Vạn Phúc rất thẳng thắn. Họ sẽ chỉ cho ta biết cách phân biệt đâu là lụa làng nghề, đâu là ngoại nhập, và tiền nào của nấy, sự lựa chọn do chính ta quyết định mà thôi. Còn nếu ta vẫn hoài nghi, thì đây, trong khu Đình làng Vạn Phúc, là nơi chỉ được bày bán các sản phẩm của làng nghề.

Khu Đình làng Vạn Phúc (Đền Phường Cửi) cổ kính với cây đa cổ thụ, giếng nước đá ong kề bên Phố Lụa, là nơi thờ tổ nghề đồng thời được suy tôn là thành hoàng làng - bà A Lã Thị Nương. Bà là người truyền nghề chăn tằm dệt lụa cho dân làng Vạn Phúc từ cách đây hơn 1.100 năm, khi bà theo chồng là Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, đến sống ở trang Vạn Bảo (tên gọi Vạn Phúc thời bấy giờ). Hằng năm, ngày 13 tháng Giêng là ngày giỗ tổ nghề, có lễ rước kiệu bà thành hoàng 5 năm tổ chức một lần.

Cạnh đình làng Vạn Phúc, trước kia là Hợp tác xã ươm tơ dệt lụa. Khi đó (khoảng 1958 đến những năm 1990), Vạn Phúc lan đến La Khê, La Cả, là trung tâm dệt lụa của Hà Đông, lớn nhất cả nước, có sản phẩm xuất khẩu, nhiều nhất là sang Đông Âu. Còn, lụa Hà Đông đã ra nước ngoài như thế nào, thì phải kể đến việc người Pháp, trong chương trình khai thác thuộc địa, đã đưa sản phẩm tinh xảo này đến hội chợ Marselle từ năm 1931 và Paris năm 1932.

Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống các làng nghề đã giúp Đình làng Vạn Phúc được sửa sang, mở rộng thêm các nhà trưng bày. Từ năm 2012, Ban di tích Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho một số gia đình sử dụng nhà trưng bày, bán sản phẩm; đặt máy dệt tại chỗ để du khách chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn thiếu nhiều hạng mục như đục mẫu, mắc cửi... do thiếu kinh phí để hoàn thiện.

Người phụ nữ tên Hương đang cần mẫn dệt lụa trong gian hàng Khánh Silk, dừng tay niềm nở. Câu chuyện bắt đầu khi con trai tôi tò mò về cái lọ thủy tinh có sâu tằm được ngâm trong rượu. “Đấy là con tằm ăn lá dâu rồi nhả tơ vào cái kén này” - vừa nói, chị Hương vừa đưa con tôi xem cái kén. “Thế rồi, cô kéo tơ đem vào máy này dệt nên lụa hả cô?” - cậu bé hỏi. Chị Hương quay lại với máy dệt lụa, vừa để tiện cho chúng tôi được “tận mục sở thị” nghề dệt giữa nhịp thoi đưa...

Một cửa hàng trên "phố lụa" ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Lê Minh.

Có tìm hiểu mới hay lụa Vạn Phúc truyền thống từng có nhiều loại: gấm, vóc, lụa, là, lĩnh, the, quế, đoạn, bằng, sa, đũi…, khổ vải thường nhỏ, chỉ khoảng 90 - 115cm. Xưa, cao cấp thì không thể thiếu: gấm, vân quế hồng diệp, vân lưỡng song phượng, song hạc, tứ quý… Hồi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc khi đó, đã thiết kế mẫu lụa Long Vân với hoa văn lưỡng long chầu Khuê Văn Các cách điệu trong hình hoa sen.

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”. Cho đến bây giờ, theo chị Hương, ngoài gấm (bà chúa của các loại lụa), thì vân vẫn là thứ lụa đẹp nhất, nhưng cũng khó dệt nhất, phải có loại máy riêng cho nó. Có lẽ, giờ chỉ còn gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh là có máy dệt được gấm và vân – số lượng ít, giá đắt nên cũng ít người mua.

Lụa được dệt với càng nhiều sợi tơ tự nhiên không pha thêm tơ hóa học thì càng mịn, mát, dày, mềm, bóng, đẹp. Có lụa loại từ 1 sợi cho đến 8 - 10 sợi, giá dao động từ 250 - 700 nghìn đồng một mét, tùy loại và khổ vải. Càng lụa đẹp thì sợi lụa càng phải nhiều, khổ vải nhỏ, đường biên chắc, kéo không giãn, vải mềm, sờ thấy mát tay, nhìn mặt lụa óng, đặc biệt có thể cho vào máy giặt bình thường cũng không phai màu hay dạt mặt vải; khi đem đốt thì lụa cháy thành than có mùi khét đặc trưng.

Nếu tôi chỉ cần khoảng 150 - 300 ngàn đồng để mua được một sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc bình thường hoặc may từ vải Trung Quốc, thì sẽ cần khoảng 1 - 2 triệu đồng nếu muốn sở hữu một chiếc váy lụa Made in Vạn Phúc cao cấp, mà ít lắm, đi dọc cả Phố Lụa, tôi cũng chỉ thấy gian hàng Mão Silk hay Phong Thư Silk có những chiếc váy đắt đỏ thế này. Đặc biệt ở Phong Thư Silk có áo dài ngũ thân truyền thống. Bây giờ kiểu áo dài ngũ thân này đang được yêu thích vì sự thoải mái, kín đáo, lại góp phần tôn vinh nét đẹp của sản phẩm thời trang - văn hóa, nhưng nếu ngay tại Vạn Phúc mà mới chỉ có một vài nghệ nhân may chiếc áo ngũ thân, thì kể cũng hơi tiếc.

Màu sắc rực rỡ, sự mềm mại êm mát của lụa là, âm thanh rộn ràng đều đặn nhịp thoi đưa, đã trở thành một phần cuộc sống của người Vạn Phúc từ lâu đời, ấy vậy mà, bây giờ, lớp trẻ Vạn Phúc khao khát đi học nhiều hơn là ở nhà nối nghề của cha ông. Đành rằng, học được là rất quý, nhưng, có cháu bảo: “Phải nghe tiếng máy suốt ngày, cháu thấy nhức đầu lắm, làm cháu không tập trung học được”. Ôi chao! Nghe cháu nói thật lòng, mình cũng thấy thật buồn!

Người dân Vạn Phúc, trải bao thăng trầm có lúc tưởng mất nghề, từ khi hợp tác xã dệt giải thể, đưa máy dệt về từng hộ gia đình, họ mới dần dần tìm lại được một phần thị trường đáng kể. Mừng cho phố nghề là bây giờ, phụ nữ mặc áo dài thường xuyên, mỗi phụ nữ Hà Nội đều sở hữu vài chiếc áo dài, còn mong muốn của họ có lẽ là cả một tủ! Làm sao để kéo họ vào Vạn Phúc, mà đến là để mua, không phải để “khách Tây ngó qua khách ta ngó vào”, làm Phố Lụa phải ủ ê buồn ngủ...

Những ngày xuân chín, phố phường Hà Nội thấy duyên dáng thêm lên bởi thấp thoáng áo dài như sự trở lại đầy cảm hứng của những sắc màu cổ điển. Sự xuất hiện của chiếc áo bông trần với nếp lụa Hà Đông sang trọng, nuột nà, cũng tựa như “một nốt trầm xao xuyến” giữa muôn hình sắc của thời trang kim - cổ - đông - tây. Các khu phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Trống, Lý Quốc Sư… đều như trầm lắng hơn bởi những không gian nhỏ bé dành tôn vinh sắc màu tơ, lụa, dẫu bên ngoài khung cửa, xe cộ cứ hối hả, cuồn cuộn ngược xuôi.

Điều kỳ diệu của thời trang chính là không chỉ để đẹp. Thời trang còn là cách con người ứng xử với cái đẹp, với những giá trị văn hóa, bởi thời trang mang trong nó những nét đẹp của văn hóa. Cách chúng ta mặc gì đang nói lên thật nhiều, không chỉ về sở thích, nét duyên mà còn về thẩm mỹ, văn hóa.

Thử tưởng tượng, bất chợt trên con phố nhỏ êm đềm trầm tư của Hà Nội sớm nay nắng mới, có tà áo lụa bay trong gió xuân nhè nhẹ, chiếc khăn mềm óng ả bờ vai, hình ảnh vốn rất thân thuộc bấy nay mà sao vẫn khiến ta chậm bước.

Tà áo lụa ấy, có thể không phải từ Vạn Phúc, mà đến từ khắp nơi quê lụa như Phùng Xá, hay Bảo Lộc - Lâm Đồng… Nhưng có lẽ, là người Hà Nội, nhìn thấy áo lụa sẽ nhớ câu ca: “Em về vạn Phúc cùng anh/ Chiếc áo em mặc thêm thanh vẻ người”. Lời của cái đẹp luôn vẫy gọi cái đẹp. Đẹp của vóc ngọc lụa là. Đẹp trong mong ước, nhớ thương. Đẹp vì lụa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai về Vạn Phúc…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO