Ám ảnh kiểm tra chuyên ngành

Thanh Giang 04/10/2016 07:10

Ngày 3/10, tại TP HCM, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo tham vấn định hướng sửa đổi, bổ sung một số luật về quản lý chuyên ngành. Tại đây nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với cách kiểm tra chuyên ngành hiện nay vì nhiều thủ tục quá “lằng nhằng, rắc rối” vừa làm mất thời gian và tiền bạc, vừa hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ám ảnh kiểm tra chuyên ngành

Doanh nghiệp lên tiếng về những quy định kiểm tra chuyên ngành đang làm khó.

Bà Nguyễn Minh Thảo-Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chi phí kiểm tra chuyên ngành đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Riêng TP HCM, năm 2015 số lượng tờ khai xuất nhập khẩu qua hải quan thành phố chiếm khoảng 40-50% tổng tờ khai toàn quốc. Và con số chi phí cho kiểm tra chuyên ngành tại TP HCM lên đến 1.091,5 tỷ đồng.

Do có cảng và sân bay thành phố lớn nhất cả nước nên tỷ lệ hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành cao hơn các nơi khác. Chỉ cần tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở 32 đơn vị hải quan còn lại tối thiểu bằng 50% của TP HCM.

Vì vậy, tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành của cả nước ở mức 1.637 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm phí cấy giấy phép, chi phí tiền vay, chi phí lưu kho bãi, chi phí lao động,…

Không chỉ gánh nặng về chi phí kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp còn sợ thủ tục vì nhiều bộ có liên quan. “Doanh nghiệp không phản đối việc kiểm tra chuyên ngành, chỉ phản đối cách thức kiểm tra.

Kiểm tra không giống ai, cũng lô hàng đó nhưng lần này kiểm tra, lần sau kiểm tra tiếp”, ông Phạm Thanh Bình – chuyên gia Dự án GIG, nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý (Tổng Cục Hải quan) nhận định về công tác kiểm tra chuyên ngành.

Ông Phạm Thanh Bình cho hay, ông từng nghe doanh nghiệp phàn nàn về quy trình 7 bước thông quan, trong đó có hai lần đang ký một cơ quan. “Tại sao đã dựa trên kết quả giám định rồi mà còn mất nhiều khâu kiểm tra, thẩm định như hiện nay?”, vị này thắc mắc.

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, lô hàng lần đầu tiên về cảng hải quan tiến hành kiểm tra. Cũng lô hàng tương tự, được nhập về trong nhiều lần sau đó thủ tục thông quan không giảm bớt.

Kỳ lạ hơn, nguyên liệu nhập về làm hàng mẫu cũng bị kiểm tra theo trình tự thủ tục như hàng kinh doanh bình thường. Bức xúc không kém về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đại diện Ford Việt Nam phàn nàn, Việt Nam quản lý chất lượng hàng hóa đối với mặt hàng ô tô thông qua 7 vấn đề chuyên ngành, như: tấm trải sàn, chất lượng thép,.. rồi bắt dán nhãn chất lượng. Nên thay nhãn bằng tiêu chuẩn môi trường và khả năng tiết kiệm năng lượng.

Trước thực tế về hoạt động kiểm tra chuyên ngành, TS Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, thời gian qua Chính phủ cùng các bộ ngành cố gắng tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này nhưng hiệu quả đạt được không cao. Mức độ khó khăn vẫn duy trì, thậm chí có nơi còn tăng thêm.

Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu khá khắc nghiệt với tỷ lệ kiểm tra 30-35%. Thay vì, thông quan hàng hóa trong vòng 1 giờ nhưng kéo dài đến mấy chục giờ, một cơ quan quản lý thì có 3-4 cơ quan quản lý.

Nguyên nhân nằm ở chỗ, có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra quá nhiều, trùng lắp quá nhiều, công cụ kiểm tra lạc hậu. Kết quả, đầu việc của cơ quan nhà nước gia tăng, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh .

“Nên thay đổi cách quản lý hiện nay. Nghĩa là sử dụng phương thức kiểm tra rủi ro, không kiểm tra tất cả hàng hóa. Thực hiện đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Những doanh nghiệp nào vi phạm nhiều thì tăng cường kiểm tra, còn doanh nghiệp thực hiện tốt cần giảm số lần kiểm tra chuyên ngành.

“Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu theo hình thức rủi ro vừa mang tính nhân văn vừa khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Tạo văn hóa kinh doanh hiện đại là nếu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì doanh nghiệp có lợi. Thay đổi phương thức quản lý rủi ro là cả một quá trình không đơn giản nhưng cần phải làm”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh kiểm tra chuyên ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO