Cuối tháng 5, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tại buổi đối thoại vấn đề được nhiều người quan tâm phản ánh với lãnh đạo tỉnh đó là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống công nhân lao động tại các KCN gặp nhiều khó khăn, dễ rơi vào “bẫy” tín dụng đen.
Theo ông Lê Tuấn Kiệt – Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh Bến Tre, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống công nhân lao động gặp khó khăn hơn. Ở các KCN, hầu hết công nhân thu nhập còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Đây cũng chính là điểm yếu để các đối tượng cho vay "tín dụng đen" nhắm tới, mời chào bằng những lời đường mật thông qua các tờ giấy quảng cáo “cho vay lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, không cầm cố tài sản...” dán tràn lan tại các khu, cụm công nghiệp.
Không chỉ bủa vây bên ngoài, hoạt động cho vay lãi suất cao còn len lỏi vào tận trong công ty, doanh nghiệp để chào mời. Nhiều đầu mối chính là công nhân lao động, sẵn sàng chèo kéo người vay để hưởng phần trăm từ việc giới thiệu khách hàng cho các tổ chức "tín dụng đen".
Được biết, khi vay 10 triệu đồng, người vay sẽ chỉ được nhận về 8 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại ngay lập tức được trừ thẳng vào tiền lãi. Trong vòng 40 ngày, mỗi ngày, người vay phải trả số tiền 250.000 đồng. Nhiều trường hợp, công nhân phải vay tiền với mức lãi suất 5.000-10.000 đồng/triệu/ngày. Sau một thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lãi tiếp tục được gộp chung với số tiền gốc...
Thường thủ tục "giải ngân" của hình thức cho vay này vô cùng đơn giản. Khi có nhu cầu, người lao động chỉ cần liên hệ với những đối tượng cho vay qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp là nhận được tiền ngay. Mặc dù theo giới thiệu là "ưu đãi, lãi suất thấp" nhưng thực tế số tiền lãi phải trả được tính lên sẽ từ 20-200%/năm, tùy theo số tiền vay và thời gian trả. Cũng theo ông Kiệt, đến nay đã có 13 doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh phản ánh bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.
Thực tế cho thấy, có muôn vàn lý do khiến công nhân dính vào vay nợ. Như gia đình gặp khó khăn, kinh tế eo hẹp, vay để trang trải nợ nần, đầu tư sản xuất, hoặc thậm chí là vay để có tiền chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày, nhiều công nhân đã vay số tiền vài chục triệu đồng. Rồi có cả những trường hợp lỡ ham “đỏ đen” cũng tìm đến chủ nợ. Cuộc sống công nhân vốn đã túng thiếu, bẫy nợ lại giăng khắp nơi, với lãi suất cắt cổ như vậy, sau một thời gian, vay được tiền rồi cũng không thể tươm tất hơn khi phải vẫy vùng trong vòng luẩn quẩn của nợ nần, vay trả... Nhiều công nhân đã không thể chi trả, bị các đối tượng cho vay dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp về tinh thần và thể xác.
Nhiều năm qua,“tín dụng đen” luôn bị cảnh báo, lên án, cơ quan chức năng cũng triệt phá nhiều vụ án lớn nhỏ liên quan đến vấn đề này. Nhưng bằng những chiêu thức và con đường khác nhau cái bẫy “ ngọt ngào” ấy vẫn len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nhất là thời điểm người dân lao đao vì vừa trải qua hai năm đại dịch Covid – 19 quá nhiều khó khăn.
Làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” vẫn luôn là câu hỏi lớn, rất nhiều kế sách đã được đưa ra bàn thảo nhưng dường như chưa có biện pháp hữu hiệu nhất, cảm giác cũng rối như chính những người công nhân lao động khi trót đưa chân vào con đường mà “tín dụng đen” giăng ra... Theo một số chuyên gia tài chính, sở dĩ công nhân dù biết dính vào “tín dụng đen” sẽ phiền phức, bê bối nhưng vẫn phải vay vì đơn giản chỉ cần gọi điện là có tiền, rất đúng với quảng cáo. Nhưng rồi, phía sau những lời quảng cáo đó là vô vàn cảnh đời khốn khổ. Rất khó để triệt được “tín dụng đen” vì thị trường tín dụng cốt lõi lại nằm ở nhu cầu vay của chính những người công nhân khó khăn.
Có người dân còn tính toán, nếu vay ngân hàng, người vay sẽ phải trả khoảng 10%/năm, cộng với phí “bôi trơn” thì cũng tương đương lãi suất từ “tín dụng đen”. Ngoài ra, khi vay ngân hàng, người dân phải chờ đợi 10 – 20 ngày mới được giải ngân. Chưa kể với những quy định chặt chẽ, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện vay ngân hàng. Hơn nữa, người tìm tới “tín dụng đen” thường vay khoản nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu nên ngại tiếp xúc với ngân hàng.
Cũng theo các chuyên gia tài chính, cái khó ở đây là các khoản vay dưới chuẩn, vay nóng trong thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng cho vay và đấy chính là khe hở để “tín dụng đen” len lỏi và trỗi dậy. Điều quan trọng hơn là pháp luật chưa đủ sức răn đe loại tội phạm này. Công an triệt nhóm này thì nhóm khác xuất hiện vì lợi nhuận quá cao và nguồn khách hàng luôn sẵn có. Trong khi đó, ngân hàng và tổ chức tín dụng uy tín dù có hỗ trợ tối đa người vay cũng phải đảm bảo các thủ tục khắt khe theo quy định, trong khi công nhân chỉ muốn đơn giản nhất.