Ấm áp ngày về quê hương

ĐOÀN XÁ-THÀNH LUÂN 11/01/2023 07:48

Càng gần Tết, kiều bào về sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) càng đông. Sau hơn 2 năm gặp khó khăn vì dịch bệnh, năm mới 2023 chính là lúc nhiều kiều bào, trí thức, doanh nhân người Việt làm ăn sinh sống ở nước ngoài trở về quê hương.

Kiều bào về quê ăn Tết (ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 10/1). Ảnh: Đoàn Xá.

Đi nửa vòng trái đất để về quê ăn Tết

Từ thành phố Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) đáp chuyến bay thẳng về Tân Sơn Nhất (TPHCM), anh Nguyễn Văn Hải (41 tuổi) cho biết, anh đã làm việc ở nước ngoài được hơn 10 năm. “Hồi mới sang bên đó tôi ở Ba Lan nhưng mấy năm qua chuyển sang Đức sinh sống, kinh doanh đồ ăn châu Á phục vụ nhu cầu khách du lịch, cộng đồng người nước ngoài và cả dân bản địa”. Từ năm 2018 tới nay, anh Hải mới có điều kiện trở về Việt Nam, anh chia sẻ: “cảm giác rất vui mừng và xúc động khó tả”.

Trong câu chuyện với chúng tôi khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất sáng 10/1, anh Hải cho biết: “Quê tôi ở Trảng Bom (Đồng Nai), hiện vẫn còn ba mẹ và em gái đã lấy chồng”. Để có hành trình về quê hương ăn Tết cổ truyền, ngoài chi phí đi lại, anh Hải đã phải thu xếp công việc và sắp xếp cuộc sống ở xứ người. “Cộng đồng người Việt mình bên đó đông lắm, gặp nhau thường xuyên hàng tháng. Lần này về thăm nhà, tôi còn nhận trách nhiệm thăm gia đình mấy người đồng hương nữa cơ. Có 3 túi lớn hành lý là quà mà anh em người Việt bên đó không về được gửi tôi mang về cho gia đình dịp Tết” - anh Hải chia sẻ thêm.

Cũng mang nặng tình cảm trong ngày về, ngay khi vừa dừng quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Văn Minh (63 tuổi) hồ hởi kể, đây là lần đầu sau 12 năm ông mới về quê ăn Tết. “Quê tôi ở Cao Lãnh, giờ gia đình chỉ còn chị dâu và các cháu thôi. Ba thì mất rồi, mẹ đang sống cùng tôi ở bên Houston (Mỹ) nhưng năm nay xây lại mộ cho gia tộc nên tôi phải về sớm. Chuyến bay kéo dài chưa tới một ngày đêm nhưng tôi đã đi nửa vòng trái đất để được về quê đón Tết cổ truyền. Đặt chân tới Việt Nam tôi không thấy mệt mà còn vui mừng nữa. So với lần trước về thì đợt này thành phố có vẻ to đẹp hơn nhiều, chỉ nhìn qua cửa sổ máy bay thấy nhà cao tầng san sát là biết được phần nào” - ông Minh bày tỏ.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, những ngày này từ sáng tới khuya luôn chật kín người ra vào ở khu vực nhà ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất.

Bà Nguyễn Thị Phượng, 67 tuổi cùng con gái đang ngồi đợi gia đình con trai bay về từ Lampang (Thái Lan) bảo rằng, dù biết chuyến bay tới 4 giờ chiều mới hạ cánh nhưng bà vẫn tới sân bay từ trưa. “Hai mẹ con tôi đặt xe taxi từ Biên Hòa lên đây đợi con trai và cháu nội. Gia đình nó mới sang Thái Lan sinh sống hơn 5 năm thôi nhưng giờ mới có dịp về quê ăn Tết. Ngày nào cũng gọi điện video nhưng chuẩn bị gặp các con cháu tôi cũng mừng lắm” - bà Phượng chia sẻ.

Kiều bào về quê ăn Tết, sân bay Tân Sơn Nhất đón khách đông nhất từ sau dịch Covid 19. Ảnh: Đoàn Xá.

Ân tình từ thành phố mang tên Bác

Trong số những kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài trở về đón Tết cổ truyền cùng thân nhân, có không ít người sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng vừa đáp chuyến bay kéo dài nửa ngày từ Melbourne (Úc) tới Tân Sơn Nhất, chị Nguyễn Thị Ánh (37 tuổi) chia sẻ với chúng tôi, Tết Quý Mão 2023 là lần đầu tiên cả gia đình có dịp trở về Việt Nam ăn Tết. “Gia đình tôi có hai quê TPHCM và Cần Thơ. Thoắt đó, tôi đi xuất khẩu lao động rồi lấy chồng bên Úc nhiều năm nay rồi. Thi thoảng cũng có về quê thăm cha mẹ và mấy em. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đưa chồng và hai con trai về Việt Nam dịp Tết cổ truyền. Các con của chúng tôi háo hức lắm”. Theo chị Ánh, dù các con được sinh ra và mang quốc tịch Úc nhưng vẫn trò chuyện được bằng tiếng Việt Nam. “Các cháu đều rất háo hức muốn về quê hương mang tên Bác, vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bất cứ ai đi xa cũng nhớ về”.

Là trí thức kiều bào tiêu biểu, có dịp trở về TPHCM đúng vào dịp thành phố kỷ niệm họp mặt kiều bào, mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023, ông Danny Võ Thành Đăng (Việt kiều Singapore), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài không khỏi xúc động, vui mừng. Chứng kiến sự đổi thay và phát triển của TPHCM sau dịch bệnh, ông Đăng cho biết, Việt Nam đang nằm trong “top 10” các quốc gia trên thế giới kiểm soát tốt dịch Covid-19. Riêng TPHCM với vị thế hiện nay sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Đây là cơ hội tốt để TPHCM nắm bắt lợi thế để xây dựng thương hiệu và định vị điểm đến, điểm du lịch đẳng cấp, từ đó gia tăng chuỗi giá trị cho ngành công nghiệp không khói.

Cùng niềm tự hào và tin tưởng thành phố mang tên Bác sớm trở thành một trong những thành phố phát triển tốp đầu khu vực, bà Lê Thị Mỹ Châu (việt kiều Mỹ) hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Vinafirst cho biết, luôn trân quý và biết ơn quê hương, xứ sở nên “dù đi đâu làm gì, trái tim tôi vẫn luôn hướng về quê hương, với những đóng góp thiết thực trong công tác từ thiện xã hội”. Bà Châu xúc động chia sẻ, đồng thời cho biết, đã cùng với gia đình, người thân hỗ trợ hàng nghìn suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng nhà tình thương cho các hộ gia đình chính sách, hỗ trợ đồng bào tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Về những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, trí thức, kiều bào tiêu biểu, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết lượng kiều hối cả năm 2022 cả nước đạt 6,8 tỷ USD thì tỷ lệ kiều hối của TPHCM luôn chiếm từ 40 - 50%. Trong nhiều năm qua, thành phố cũng đã đón hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn và hiện có gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, cao đẳng, khu công nghệ cao và các bệnh viện của thành phố. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ lên đến hơn 45.000 tỷ đồng. Nhờ tiềm lực kiều hối rất lớn, mỗi năm ước tính có khoảng 30.000 người Việt ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Canada, Úc…) về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TPHCM.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, trên thực tế nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài về nước đón Tết cổ truyền thường gia tăng từ Tết Dương lịch. Thống kê từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trung bình mỗi ngày có khoảng 105 chuyến bay quốc tế hạ cánh, chủ yếu từ các khu vực như Trung Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu, Úc hay Nhật Bản, Hàn Quốc... với trung bình khoảng từ 20.000 - 25.000 hành khách. Cùng với lượng lớn người thân đi đón, nhu cầu di chuyển của bà con kiều bào về các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ cũng tăng mạnh so với các năm trước.

Để đảm bảo cho công tác đi lại của bà con Kiều bào được thuận lợi, đại diện Sở GTVT TPHCM đã chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan để tạo thêm sân đỗ taxi, xe buýt cho các phương tiện dịp Tết. “Ngoài hành khách ở đường bay quốc tế, đường bay nội địa dịp Tết cũng tăng mạnh với khoảng 130.000 lượt người/ngày ở gần 1.000 chuyến bay. Vì vậy, nhu cầu đến và đi sẽ rất lớn. Ngoài yêu cầu các đơn vị tăng cường phương tiện (xe buýt, taxi, xe tuyến cố định) thì việc có một sân bãi đậu xe mới (ngay trước sân bay) cũng giúp ích rất nhiều. Khi đó hành khách có nhu cầu xe chỉ mất 1-2 phút để vào sân bay đón, thay vì 5-10 phút như trước và tình trạng xe đậu dày đặc quanh sân bay đón khách cũng giảm rất nhiều” - đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM:

TPHCM tiếp tục đón nhận đóng góp của kiều bào

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hai năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, đã có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từ tháng 8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng đã ban hành Thông tri số 12 về lãnh đạo thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn với các đề tài, dự án, phần việc cụ thể. Mục tiêu là đón nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm áp ngày về quê hương