Âm nhạc, cầu nối giữa hiện tại và quá khứ

Phạm Sỹ 18/07/2023 06:35

Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc đã chứng kiến sự xuất hiện nhiều sản phẩm từ các nghệ sĩ trẻ, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật truyền thống với nhạc điện tử. Sự kết hợp này góp phần giúp cho âm nhạc đương đại Việt Nam đa dạng và phong phú hơn.

Hòa Minzy trong MV Thị Mầu.

Phù hợp với bối cảnh đương đại

Tháng 3 vừa qua, ca sĩ Hòa Minzy cho ra mắt MV Thị Mầu. Trong MV mới này, Hòa Minzy hóa thân thành cô diễn viên chèo đang học nghề, với nhiều bỡ ngỡ khi hóa thân thành nhân vật Thị Mầu trong tác phẩm văn học nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Với MV “Thị Mầu” phá cách đã tạo ra thông điệp phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại. Thu hút giới trẻ biết đến bộ môn chèo đang bị mai một.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn để lại dấu ấn trong lòng khán giả khi tổ chức thành công 2 đêm Live concert Chân trời rực rỡ với việc mang âm nhạc dân gian trở lại khi mở đầu đêm diễn bằng tiết mục hát Xẩm. Nam ca sĩ đã khéo léo lồng ghép nhạc cụ dân gian vào màn trình diễn, làm nổi bật âm nhạc truyền thống Việt Nam, lan tỏa đến khán giả trẻ.

Sau “Xẩm Hà Nội”, những sản phẩm âm nhạc của Hà Myo đều là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc truyền thống như hát xẩm, hát xoan, dân ca dân tộc Mường… với những dòng nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ như rap hay nhạc điện tử. Hà Myo ngày càng thăng hoa trong các tác phẩm âm nhạc của mình nhưng vẫn luôn nhất quán là dù phá cách vẫn phải giữ được cái hồn cốt, cái “khuôn vàng thước ngọc” trong những làn điệu dân ca của Việt Nam.

Nhắc đến những nghệ sĩ trẻ tâm huyết với âm nhạc dân tộc có lẽ không thể không nói đến ca sĩ Cao Bá Hưng với một số sản phẩm âm nhạc, trong đó có MV “Kết duyên tơ hồng”. Không chạy theo phong cách ballad phổ biến vốn được công chúng dễ dàng đón nhận, Cao Bá Hưng chọn con đường khó đi hơn khi quyết định giữ cái tôi âm nhạc của mình, cho ra một bản phối mang phong cách Pop hiện đại kết hợp âm hưởng chất dân ca Bắc bộ…

Có thể thấy, sự kết hợp giữa những nét đặc trưng của quá khứ và hiện đại trong một sản phẩm âm nhạc là như một cây cầu nối giữa thế hệ hiện tại và quá khứ, giúp cho những giá trị truyền thống được truyền tải và tôn vinh trong lòng giới trẻ. Việc này không chỉ đem lại sự thích thú cho người nghe mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc.

Nhạc sĩ Minh Châu nhận định, sự đan xen giữa xưa và nay trong một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Những thế hệ đi trước lại cảm thấy thế hệ ngày nay đang làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn.

Theo bà Đặng Hoài Thu (Viện Âm nhạc Việt Nam), sự tìm tòi đa dạng đã được đánh giá cao. Nếu bảo tồn mà không có sự sáng tạo thì không bao giờ phát triển, đây là hai việc luôn luôn song hành. Các nghệ sĩ kết hợp với âm nhạc đương đại để đưa âm nhạc dân tộc vào là một cách làm hay vì giới trẻ nắm bắt được nền âm nhạc đó rất là chuẩn. Khi người ta đánh những bản nhạc đó mang âm hưởng dân gian nhưng kết hợp âm nhạc hiện đại để lan tỏa ra nhiều người là một cách làm hay.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn tại Paris (Pháp). Ảnh: Bruno Charavet.

Sáng tạo nhưng không phản cảm

Theo NSƯT Mai Thủy, Giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, kết hợp giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc đương đại, là một hướng đi tuyệt vời. Sự kết hợp này sẽ góp phần lan tỏa, để các bạn trẻ ngày càng yêu thích hơn âm nhạc truyền thống. Theo NSƯT Mai Thủy, nên đưa âm nhạc dân gian vào trong các trường, vào trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa, để các bạn trẻ tiếp cận dễ dàng hơn. Khi người trẻ ý thức được sứ mệnh trong việc kế thừa và phát phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống, đó chính là một tín hiệu tích cực cho nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Tuy nhiên, việc kết hợp truyền thống và hiện đại như thế nào vẫn là bài toán khó. Có không ít sự phá cách vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống khiến một số tác phẩm trở thành sản phẩm lỗi với những biến tấu quá đà.

Các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ cần phải cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra sản phẩm mới phù hợp.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, một người rất tâm huyết với âm nhạc dân tộc và luôn tìm cách kết hợp với hiện đại trong sản phẩm âm nhạc của bản thân. Theo ông Quang, để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới cần phải chắt lọc những thứ tinh tuý nhất và đưa nó vào một không gian mới, trong không gian đó có những yếu tố toàn cầu. Để làm được điều đó, cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc và ứng xử nó trong môi trường âm nhạc đa chiều một cách đúng nghĩa.

Trong khi đó, nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ cần phải cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra sản phẩm mới phù hợp.

Để thực hiện việc kết hợp âm nhạc truyền thống và đương đại một cách thành công, người sáng tạo cần phải có kiến thức sâu rộng về từng lĩnh vực nghệ thuật để có thể kết hợp chúng một cách hài hòa mà tôn vinh lẫn nhau. Cùng với đó là sự tham gia chủa các các chuyên gia có chuyên môn. Với sự hiểu biết chuyên sâu về từng lĩnh vực, họ có thể bổ trợ và điều chỉnh, giúp tác phẩm không vượt qua ranh giới mong manh giữa sáng tạo và phản cảm. Qua đó, nghệ thuật âm nhạc nước ta được phát triển và gia tăng giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm nhạc, cầu nối giữa hiện tại và quá khứ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO