Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, tối ngày 25/7, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đoàn Thanh niên Báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Tri ân”.
Các đại biểu tham dự chương trình.
Đến dự buổi lễ, về phía Đoàn Khối các cơ quan TW có ông Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Bí thư Đoàn Khối. Về phía UBTƯ MTTQ Việt Nam có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBTƯ MTTQ Việt Nam Vương Văn Nam; Nhà thơ Hồng Thanh Quang – Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết.
Về phía Bộ VHTTDL có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Phùng Minh Cường; Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Trần Huy Toản; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Nguyễn Hữu Giới; NSƯT Nguyễn Thị Bích Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; NSƯT Nguyễn Xuân Vinh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tham dự chương trình.
Đặc biệt chương trình còn sự hiện diện của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và 300 đoàn viên, thanh niên Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng và UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tại chương trình nghệ thuật, BTC cùng đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế (ITP) tặng 100 suất quà cho các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Bí thư Đoàn Khối; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải tặng quà các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL Phùng Minh Cường tặng quà các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.
Ông Vương Văn Nam - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Văn Thái – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế (ITP) tặng quà các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách.
Cũng tại chương trình, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở “Linh khí trời Nam” (Tác giả: PGS, TS Trần Trí Trắc; Chuyển thể Cải lương: NSƯT Ngọc Chi; Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) như một món quà tri ân công lao của những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
“Linh khí trời Nam” là công trình thanh niên tiêu biểu cấp Đoàn khối các cơ quan Trung ương năm 2016 của Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL.
Vở diễn “Linh khí trời Nam” kể về cuộc đấu tranh bền bỉ giữa những người dân Giao Chỉ với lực lượng quan quân đô hộ nhà Đường mà đứng đầu là Tiết độ sứ Cao Biền – người cai quản An Nam đô hộ phủ, đóng tại thành Đại la vào nửa cuối thế kỷ thứ IX sau Công lịch.
Đây là một cuộc đấu tranh thầm lặng mà không kém phần cam go của những người dân Giao chỉ không một tấc sắt trong tay nhằm đánh đổ ách nô dịch của nhà Đường, đòi lại nền quốc thống mà các Vua Hùng đã là người khai sơn lập quốc.
Hoàng đế Đường Hàm Thông khi nhận thấy linh khí của đất trời An Nam có dấu hiệu phát vượng, đã cử Cao Biền sang Giao châu làm Tiết độ sứ.
Cao Biền vốn là một phù thủy nổi danh cao tay, được giao nhiệm vụ tìm kiếm các long mạch linh thiêng của đất An Nam rồi dùng bùa phép trấn yểm cho mất thiêng, để đất An Nam phải bị triệt tiêu linh khí, mãi mãi lầm than, u tối cam tâm làm phiên thuộc của triều Đường.
Trong cuộc gặp gỡ định mệnh, Cao Biền đã đem lòng yêu người con gái Giao chỉ tài sắc tên gọi Việt Hương.
Mối tình trắc trở, nhiều ngang trái đã dẫn đến kết cục, vì lòng trung quân ái quốc mà Cao Biền đã lấy ngay người con gái mà mình đem lòng yêu làm linh vật trấn yểm long mạch An Nam.
Khi tỉnh ngộ thì đã muộn màng. Việt Hương đã bị đem ra làm bùa yểm. Hối hận trước tội lỗi phi nhân, Cao Biền đã bãi bỏ toàn bộ kế hoạch tận triệt linh khí An Nam, nhưng học trò cũng là cháu của ông ta là Cao Tầm đã đoạt lấy quyền lực và ra tay thi hành mưu sự.
Trước hiểm họa khôn lường ấy, người dân Giao chỉ đã phá vỡ đê sông Cái, sẵn sang chết cùng kẻ thù. Dòng sông mẹ linh thiêng đã cuốn sạch những trận đồ ma quái. Để sau đó sự sống lại sinh sôi.
Nhờ sự đấu tranh kiên cường và mưu trí của những người dân Giao chỉ mà dã tâm đen tối của Đường Hàm Thông đã hoàn thoàn thất bại, đất An Nam bảo toàn được linh khí, để rồi vào năm Mậu tuất - niên hiệu Tấn thiên phúc năm thứ hai, tức năm 938 sau công lịch.
Với chiến thắng Bạch Đằng, nước Nam đã giành lại được quyền tự chủ, tiếp nối nền quốc thống của các Vua Hùng. Để sau đó các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và ngày nay là Thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh đã nối tiếp nhau làm rạng ngời cho non nước Việt Nam.
“Linh khí trời Nam” có sự tham gia của các nghệ sĩ Minh Hải (vai Cao Biền); Minh Lý (vai Việt Hương); Ngọc Thảnh (vai Huyết Giao); Thu Thảo (vai Già Na)…
Ông Nguyễn Văn Minh (Hà Nội), cựu chiến binh chống Mỹ chia sẻ “Đây là chương trình đặc biệt nhân dịp đất nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Trong những giây phút thiêng liêng này, tôi vô cùng vinh dự khi được đến dự ngày tri ân này. Chúng ta nên có những hoạt động tri ân ý nghĩa này để cho những người trải qua nghĩ lại, nhớ lại. Đặc biệt, hơn nữa là để cho người sau biết được những gì xảy ra và cũng là lời nhắc nhở cho lớp trẻ nhớ lại nguồn cội. Từ đó để lớp trẻ hiểu rằng những gì của ngày hôm nay là biết bao sự hi sinh sương máu của cha ông ta. Hãy noi gương và cố làm được như thế hệ đi trước. Ông Chu Xuân Ái (Hà Nội) chia sẻ “Chương trình “Tri ân” thật sư ý nghĩa đối với một cán bộ lão thành như tôi. Nhất là đây là một chương trình về quê hương đất nước và được biểu bằng loại hình nghệ thuật truyền thống. Đối với cựu chiến binh đây là dịp tưởng nhớ lại những kỷ niệm xưa về những người đồng chí đồng đội xưa đã hi sinh và gặp gỡ những người may mắn trở về. Nhưng ý nghĩa hơn nữa là chúng tôi mong giới trẻ nhớ được ông bà xưa đã từng phải gian nan như thế nào để giành lại nền hòa bình cho đất nước này. Anh Nguyễn Văn Cương - Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL: Những ngày tháng 7 linh thiêng này, không riêng gì tuổi trẻ của Bộ VHTTDL, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Xây dựng mới làm những việc ý nghĩa như thế này. Mà nhân dân cả nước đều hướng về với một lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đến những công lao của các anh hùng thương binh, liệt sĩ đã hy sinh cống hiến xương máu của mình cho cuộc sống ngày hôm nay. Hơn bao giờ hết thế hệ trẻ là người đầu tiên và lâu dài nhất được hưởng những sự hy sinh mất mát đó. Với trách nhiệm và tinh thần của minh, Tuổi trẻ 3 đơn vị vừa là tinh thần trách nhiệm, vừa tỏ lòng biết ơn. Đây là chương trình trọng tâm mà 3 đơn vị chúng tôi đã chuẩn bị lâu dài. Và với sự luyện tập của hơn 60 anh em nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam chúng tôi đã thực hiện được chương trình này. Có thể nói cảm xúc rất rưng rưng và hy vọng là không riêng gì 3 đơn vị tham gia chương trình mà các đơn vị khác, tuổi trẻ cả nước sẽ có nhiều các hoạt động thiết thực, ý nghĩa để hướng đến các gia đình chính sách, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là nhưng người có hoàn cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Duy Khánh – Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam: Chiến tranh đã đi qua, nhưng với không ít người dường như nỗi đau vẫn còn đó. Hình ảnh về cuộc chiến với bom đạn, khói lửa giờ đây đã trở thành ký ức, nhưng sự mất mát những giọt nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại. Đau đớn hơn, chất độc màu da cam vẫn đang để lại di chứng cho những thế hệ mai sau. Khi dời trận chiến người thương binh vẫn mang trong mình những vết thương chiến tranh, đau đớn thể xác mỗi khi trái nắng trở trời… Và hôm nay, trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng 7, Ban thường vụ Đoàn thanh niên Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng và UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức chương trình “Tri ân” như món quà để thể hiện lòng biết ơn, tình cảm của tuổi trẻ đối với những người có công với đất nước. Đồng thời thông qua những tấm gương của bậc cha anh sẽ giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên thanh niên. Qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của thế hệ trẻ đối với các thương bệnh binh –thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Trần Vân(ghi) |