Cả một thời gian dài căng mình chống dịch ở biên giới Tây Nam, hệ thống chính trị của Kiên Giang chung tay vào cuộc, điển hình là các lực lượng vũ trang nòng cốt như Biên phòng, Công an, Quân đội… Trong muôn vàn khó khăn, tình cảm quân dân, tình hậu phương quân đội được nhân lên mạnh mẽ.
Gần 2 năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận tiền, hàng hóa của rất nhiều đoàn từ thiện cả trong và ngoài tỉnh ủng hộ chung tay cùng với lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn đến tận nơi thăm, trao tận tay cho anh em lực lượng trên các chốt.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận hàng chục ngàn thùng mỳ tôm, các loại nước đóng chai, các loại đồ hộp. Tiếp nhận nhiều bồn chứa nước, các thiết bị thắp sáng, làm mát, nhiều thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đại tá Huỳnh Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Trên tinh thần “một miếng khi đói, bằng 1 gói khi no”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vô cùng trân trọng tấm lòng của các đoàn thiện nguyện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Đơn vị đã lập danh sách, có kế hoạch cấp phát cụ thể cho từng tổ, chốt.
Mong muốn là làm thế nào các hàng, quà, nhu yếu phẩm các đoàn tặng đến tay anh em nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất, tránh nơi này thừa, chỗ khác thiếu. Đây là những vật dụng cần và là nguồn động viên tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh để đơn vị chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, chiến thắng dịch bệnh…
Ngoài những tình cảm, hàng, quà gửi về, các chiến sĩ trên chốt liên ngành còn nhận được rất nhiều tình thương, sự che chở, đùm bọc, giúp vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên. Bà con nơi các anh dựng chốt đã không tiếc cơm, nước, thuốc men, chăn màn giúp cho anh em no lòng khi đói, ấm thân lúc đêm mưa.
Mới đây, Thích nữ Dịu Hoa, trụ trì chùa Kỳ Quang ở tận quận Phú Nhuận (TP HCM) đã lặn lội mấy trăm km đến các điểm chốt biên giới huyện Giang Thành, tặng bồn chứa nước, tiền mặt cho các chốt. Thích nữ đã bất chấp thời tiết, đội mưa vào các chốt với chiến sĩ ngoài biên giới.
Thích nữ Dịu Hoa nói trong nước mắt: “Có đi, rồi đến như thế này mới thấy thương cho con em mình phải sinh sống, làm nhiệm vụ trên các chốt chống dịch. Người dân thành phố làm sao mà hiểu được cuộc sống của họ. 5, 6 con người sống, làm việc trong 1 chốt nhỏ, mái tôn, hoặc trùm ni lông, đóng cheo leo trên bờ kênh, xa chợ, xa nhà, điều kiện sinh hoạt, đi lại thiếu thốn. Sau chuyến đi này, về Thích nữ sẽ kêu gọi bà con mình tiếp tục ủng hộ, ai có nhiều giúp nhiều, ít giúp ít, cùng chung tay góp phần làm vơi đi gánh nặng của con em mình ngoài chốt…”.
Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết: Thời gian qua Tỉnh uỷ, UBND đặc biệt là Ban Chỉ đạo rất quyết liệt trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Do Kiên Giang là địa bàn tương đối phức tạp có đường biên giới giáp với Campuchia nên công tác kiểm soát ngăn chặn lây lan dịch bệnh được địa phương rất chú ý.
Đến thời điểm này, chúng tôi tự hào vì địa phương vẫn đang an toàn. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đoàn thể đặc biệt là Mặt trận làm đầu mối vận động, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu. Tính từ đầu năm đến nay, Mặt trận các cấp trong tỉnh vận động các mạnh thường quân, tổ chức, đơn vị được hơn 5 tỷ đồng cả tiền mặt và hiện vật hỗ trợ các cơ sở, tổ, chốt phòng chống dịch. Có rất nhiều đoàn mạnh thường quân đi trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận ủng hộ cho lực lượng thật đáng quý.
Ông Ngô Phương Vũ chia sẻ thêm: Có đi đến tuyến đầu chống dịch mới thấy được những câu chuyện xúc động và thương lực lượng, có những chiến sĩ Tết vừa rồi không dám về nhà, cắm chốt, giữ đồn, gia đình có chuyện hiếu hỉ cũng không dám xin để về nhà.
Trong môi trường khô hạn, thiếu đủ thứ, đặc biệt là nước ngọt, chính vì vậy chúng tôi vận động bà con ủng hộ bằng hiện vật trang bị cho lực lượng. Mới đây chúng tôi đi thăm và tặng nhiều bồn chứa nước ngọt vận động được để hỗ trợ cho lực lượng...
Tinh thần tương thân, tương ái, đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại dịch bệnh Covid-19 của mọi tầng lớp nhân dân đã tạo được niềm tin cho lực lượng nơi tuyến đầu, đây chính là bức “tường thành” vững chãi trong công tác phòng, chống dịch. Nơi tiền tuyến các chiến sĩ cảm thấy ấm lòng, vững niềm tin chống dịch. Các anh tin ở hậu phương đã có các mẹ, các chị, có cả ông bà, cha mẹ, vợ và con của chính mình đã, đang và sẽ tham gia vào trận chiến chống dịch Covid-19.