Ăn cá nóc, một bệnh nhân suýt mất mạng

Diệu Hòa 04/06/2019 17:37

Ngày 4/6, bác sĩ Lê Hoàng Phúc – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công 1 trường hợp bị ngộ độc rất nặng do ăn cá nóc.

Ăn cá nóc, một bệnh nhân suýt mất mạng


Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc.

Trước đó, khoảng 15h ngày 3/6, ông N.V.V, (63 tuổi) ở ấp Tân Phước A, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được người nhà chuyển đến điều trị tại Khoa Cấp cứu, BVĐK Trung ương Cần Thơ trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng chân tay và cứng hàm. Sau một ngày được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, hiện đã rút nội khí quản, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhưng còn tê nhẹ hai tay.

Bệnh nhân N.V.V cho biết, “Tôi đặt lờ được khoảng nửa ký cá nóc, nhưng chỉ ăn 3 con vì nghe nhiều người nói ăn cá nóc dễ bị ngộ độc. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng tôi cảm thấy tê hai bàn tay, hai chân, dần dần đến tê môi nên được gia đình đã đưa đến BVĐK thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cấp cứu…”.

Bác sĩ Dương Thiện Phước – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (BVĐK Trung ương Cần Thơ) khuyến cáo, người dân không nên chế biến cá nóc làm món ăn vì độc tố cá nóc thường nằm ở ruột gan, trứng và tinh hoàn của cá. Chất độc trong cá nóc là loại cực độc. Ngay sau khi ăn từ 5 - 20 phút, độc tố của cá nóc bắt đầu hấp thu và phát tán. Trường hợp ngộ độc nặng có thể bị liệt toàn thân, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Vì thế dù có làm sạch như thế nào đi nữa thì độc tố vẫn còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn cá nóc, một bệnh nhân suýt mất mạng