N hững minh chứng về tác hại của việc lạm dụng mạng xã hội ở người trẻ từng nhiều lần được các chuyên gia đề cập tới. Theo phân tích, mạng xã hội có tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam. Do đó, việc hạn chế sử dụng điện thoại ở học sinh đang được nhiều người quan tâm.
Bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần là hội thảo mang chủ đề: "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam". Hoạt động này do Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) phối hợp với Sáng kiến Z & Alpha tổ chức mới đây. Báo cáo và tham vấn của các chuyên gia được kỳ vọng là cơ sở để các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp về chính sách, kỹ thuật trong việc giúp người trẻ hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, nhất là về sức khỏe tâm thần.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội. Trong đó trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội chiếm số lượng không nhỏ. Mục đích chính khi sử dụng Internet ở người trẻ là giữ liên lạc với bạn bè và gia đình; tìm kiếm thông tin; cập nhật tin tức, sự kiện; xem video chương trình truyền hình hoặc phim ảnh; truy cập và nghe nhạc trực tuyến... Khi được hỏi, đa phần các em học sinh chia sẻ rằng, mạng xã hội giúp kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh.
Các chuyên gia đánh giá lợi ích mang lại từ mạng xã hội là sự tăng cường kết nối xã hội, cơ hội thể hiện bản thân và tiếp cận thông tin trong học tập và cuộc sống, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, dẫn đến các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu, xao nhãng trong học tập cũng như hàng loạt vấn đề khác đối với sức khỏe tâm thần. Những hoạt động trên màn hình được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm, thậm chí là tự tử ở thanh thiếu niên. Điều này chứng tỏ rằng mạng xã hội không chỉ là thế giới ảo, mà có thể là tiền đề của những thay đổi trong thế giới thực.
Theo kết quả khảo sát Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, trong khi trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em Việt Nam đang có điện thoại di động sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới, mà lại không được đảm bảo sử dụng an toàn.
Đáng lưu ý, năm học 2024 - 2025, nhiều quốc gia trên thế giới "tuyên chiến" mạnh mẽ với việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học như: Hà Lan, Hy Lạp, Đan Mạch, Hungary, Anh... Bởi theo phân tích từ các chuyên gia tâm lý và giáo dục ở các quốc gia này, việc trẻ em lạm dụng điện thoại di động đã tạo nên mối lo ngại không chỉ về sự mất tập trung mà còn về khả năng bị bắt nạt hoặc áp lực xã hội khác.
Đầu tháng 10 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có động thái “siết” việc sử dụng điện thoại trong nhà trường. Sở yêu cầu các nhà trường không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Nhiều thầy cô giáo đồng tình với việc siết học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường, bởi trong giờ ra chơi, phần lớn học sinh không vận động, giao lưu mà chỉ dùng điện thoại. Nhiều em dùng mạng xã hội không đúng cách, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng học hành.
Việc sử dụng điện thoại và sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Người lớn cần định hướng, giám sát học sinh/trẻ em trong việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh.