Liên tiếp các vụ tấn công bạo lực, gây trọng thương nhân viên y tế ngay tại nơi làm việc những ngày qua đang khiến dư luận hết sức lo lắng và bất bình.
Tình trạng mất an ninh bệnh viện đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và sức khoẻ của các y, bác sĩ, cần gióng lên những hồi chuông báo động.
Cần xử lý nghiêm những trường hợp hành hung y, bác sĩ (Ảnh: TL).
Điển hình là vụ bác sĩ Trần Văn Sơn- Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới- Quảng Bình) bị nhiều người hành hung tại cửa phòng cấp cứu, do can ngăn đánh nhau.
Kết quả kiểm tra xác định bác sĩ Sơn bị chấn thương sọ não, vết thương rách mi mắt trái, rách giác mạc, xuất huyết tiền phòng độ III. Bác sĩ Sơn phải nhập viện điều trị không thể tiếp tục làm việc.
Một trường hợp khác là Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh) Trần Thị Thanh Hải bị chém trọng thương. Nguyên nhân do từ chối truyền dịch cho đối tượng uống rượu quá chén.
Chị Hải được phát hiện và đưa đi cấp cứu tại BVĐK huyện Hương Khê trong tình trạng bị 2 vết thương ở cánh tay phải, 1 vết thương ở mặt sau dài khoảng 10cm sâu sát xương, đứt gân dưới ngón 5 bàn tay phải; mu bàn tay phải có vết thương dài khoảng 4cm, sâu sát xương với đốt bàn tay phải… Do vết thương khá sâu, ảnh hưởng đến gân, cơ nên sau khi cắt chỉ chị Hải sẽ phải tập phục hồi chức năng một thời gian nữa.
Những đối tượng hành hung bác sĩ trong các vụ việc nói trên đã nhanh chóng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trước 2 sự việc đau lòng nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ nỗi đau về thể xác và tinh thần mà 2 thầy thuốc Trần Thị Thanh Hải và Trần Thanh Sơn phải chịu đựng. Đồng thời đề nghị các cơ sở y tế đang điều trị cho 2 thầy thuốc này dành những điều kiện chăm sóc và chữa trị tốt nhất để họ sớm bình phục.
Bộ trưởng cũng lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ đã tấn công bạo lực đối với hai thầy thuốc Trần Thị Thanh Hải và Trần Thanh Sơn.
Bộ Y tế kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Hà Tĩnh và Quảng Bình xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho 2 thầy thuốc trên.
Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã có công văn gửi công an tỉnh Quảng Bình, công an tỉnh Hà Tĩnh. Tại công văn, PGS TS Nguyễn Thị Xuyên- Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định, đây là những sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý của các bác sĩ, nhân viên y tế và cần phải nghiêm trị.
Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị các cấp quản lý ngành Y tế và Hội Y học Hà Tĩnh, Quảng Bình khẩn trương điều tra, xác minh và xử lý nghiêm sự việc 2 cán bộ y tế bị hành hung khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.
Các cấp quản lý, ngành Y tế và Hội Y học Hà Tĩnh, Quảng Bình tổ chức hỗ trợ cho những cán bộ bị hành hung đã nêu trên. Cùng với đó là việc tăng cường các biện pháp an ninh bệnh viện, cơ sở y tế để hạn chế tối đa các sự việc tương tự.
Tổng hội Y học Việt Nam cũng đề nghị các cán bộ y tế là đại biểu Quốc hội tập trung phản ánh ý kiến, nguyện vọng về việc đảm bảo các lợi ích hợp pháp của các cán bộ y tế và giám sát việc xử lý nghiêm minh sự việc trên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Vấn đề hành hung người thi hành công vụ, người làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp (công chức, viên chức) là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm và cần có những biện pháp phòng ngừa.
Bộ trưởng đề nghị cơ quan chức năng, dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông vào cuộc ngăn chặn giảm bớt và xử lý nghiêm những hành vi này.
Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sĩ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa hơn nữa bệnh nhân mới là người thiệt thòi.
“Đến thời điểm này chúng tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong việc đấu tranh với vấn nạn bạo hành nhân viên y tê”- bà Tiến chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, lên án và xử lý nghiêm những trường hợp hành hung y, bác sĩ, kể cả xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với những đối tượng này.