Gần 100 phóng viên các cơ quan báo chí đã tham dự Hội nghị tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng” do Cục Báo chí (Bộ TT&TT) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 2/12.
Hội nghị nhằm cung cấp, cập nhật về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như các xu hướng công nghệ để bảo vệ, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Phát biểu khai mạc, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhìn nhận, báo chí có vai trò quan trọng trong tuyên truyền về các vấn đề của trẻ em trên môi trường mạng. Báo chí cần được trang bị nhiều hơn về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga, Việt Nam có 87 đến 89% dân số truy cập và sử dụng internet hàng ngày nhưng chỉ có 36% trẻ tham gia khảo sát tại hộ gia đình được hướng dẫn để bảo đảm an toàn trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng nêu ra vấn đề rất đáng lưu tâm: Hầu hết trẻ em bị xâm phạm trên không gian mạng đều không tiết lộ ai là thủ phạm hoặc chỉ cho biết thủ phạm là người lạ. Có 1% trẻ em bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị dụ dỗ cho tiền, quà để đổi lấy video, hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị dụ dỗ cho tiền, quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu trò chuyện tình dục.
Việt Nam đã có Luật An toàn thông tin mạng (ban hành năm 2015), Luật Trẻ em (ban hành năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (ban hành năm 2016), Luật An ninh mạng (ban hành năm 2018). Các Luật đều có quy định bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đi kèm với chế tài trong công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
Diễn giả và đại biểu báo chí dự Hội nghị đã trao đổi, bàn thảo nâng cao nhận thức, hiệu quả truyền thông bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng.