Xã hội

An toàn không chỉ ở lớp vỏ tàu

N. Quý - P. Thanh 23/07/2025 10:45

Giông lốc khiến con tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN7105) bị lật úp trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) chiều ngày 19/7 đã để lại những mất mát lớn và bài học vô cùng đắt giá. Tuy là sự cố hy hữu, nhưng đã gióng lên hồi chuông về đảm bảo an toàn cho cả người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý...

du lich bai nho 3
Tàu du lịch đưa khách tham quan đảo Ti Top trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Quý.

Rủi ro rình rập

Ông Nguyễn Văn Thế - một thuyền trưởng đã có nhiều năm kinh nghiệm lái tàu trên vịnh Hạ Long, cho biết: Biển Hạ Long bình thường êm ả như mặt hồ, nhưng khi gặp thời tiết xấu cũng dữ dội không kém ngoài biển lớn. Chính những ngọn núi đá đan xen là nơi tạo luồng gió mạnh, cần hết sức cảnh giác khi thời tiết có dấu hiệu bất thường.

Theo ông Thế, khi điều khiển tàu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng, luôn luôn phải có thêm ít nhất 1 người có khả năng lái tàu cùng trực, trong hầm máy phải có ít nhất 2 người trực liên tục để ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, phải giữ liên lạc với các tàu khác đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp khi gặp sự cố.

Trở lại vụ tai nạn thương tâm trên vịnh Hạ Long chiều ngày 19/7, bà Hoàng Thị Phương Đông - người có 15 năm công tác trong lĩnh vực du lịch tại Hạ Long, nêu ý kiến: Giông lốc ngày 19/7 trên vịnh Hạ Long vừa qua là bất ngờ. Tuy nhiên, việc thông tin cảnh báo qua nhóm Zalo cần phải xem xét lại, vì ngoài vịnh mạng rất kém, không phải lúc nào cũng nhận được. “Phải có cách nào khác cập nhật cho toàn bộ tàu hoạt động trên vịnh thông tin nhanh hơn” - bà Đông đặt vấn đề.

Ngoài ra, bà Đông cũng cho rằng, thời gian gần đây, tàu du lịch Hạ Long liên tục được thay đổi với hình thức to hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn trên tàu du lịch cũng cần được thay đổi đồng bộ như vậy. Cần phải có quy trình an toàn trên tàu như trên máy bay, ít nhất phải dành 5 phút đầu hướng dẫn khách nên làm gì để đảm bảo an toàn nếu xảy ra sự cố.

dulichbainho1.jpg
Tàu du lịch đưa khách tham quan vịnh Hạ Long vào những ngày trời yên biển lặng. Ảnh: Nguyễn Quý.

Cần một cơ chế phối hợp quản lý chặt chẽ

Tại TP Hải Phòng, địa phương có thế mạnh du lịch biển đảo, với các điểm đến như Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ... Hàng năm, lượng khách du lịch đến thành phố không ngừng tăng, đặc biệt vào mùa hè, cùng thời gian cao điểm của mưa bão, giông lốc, áp thấp nhiệt đới.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP Hải Phòng phải hành động như một “người gác cổng an toàn”. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội đặc khu Cát Hải cho biết: Hiện nay du thuyền trên vịnh Lan Hạ đã và đang trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương. Hiện có 149 tàu chở khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm đang hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Trong đó, có khoảng 40 du thuyền hạng sang, đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Mỗi lần xuất bến, các lực lượng chức năng phải kiểm soát kỹ thời gian, danh sách khách du lịch lên tàu.

Theo đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL TP Hải Phòng, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp phải được thực thi thông qua công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng và công tác vận động, hướng dẫn, tuyên truyền để thay đổi về ý thức, chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của từng doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL TP Hải Phòng cho rằng, để đảm bảo an toàn cho du khách, cần thực hiện một cuộc tổng rà soát trên toàn hệ thống, từ điều kiện hạ tầng khu điểm du lịch, cấp phép lữ hành, phương tiện vận tải khách, hướng dẫn viên chuyên nghiệp đến năng lực xử lý sự cố của từng đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

Muốn khẳng định vị thế là trung tâm du lịch biển đảo, không thể chỉ dựa vào phong cảnh hay cơ sở hạ tầng, mà phải bắt đầu từ chính những gì căn bản nhất: Đảm bảo an toàn tính mạng và trải nghiệm tích cực cho từng du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn không chỉ ở lớp vỏ tàu