Mặc dù được sự quan tâm rất lớn của các ngành chức năng có liên quan. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một chợ truyền thống. (Ảnh: Nhật Minh).
Tình trạng ngộ độc tập thể liên tiếp xảy ra
Trưa ngày 28/10, khoa Cấp cứu bệnh viện Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận nhiều ca nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Được biết, hầu hết bệnh nhân là trẻ em độ tuổi 7-12. Theo lời kể của một số phụ huynh, sáng cùng ngày, các bệnh nhi này đã tham dự lễ thiếu nhi tại một nhà thờ trên địa bàn và dùng bánh mì dăm bông do 1 công ty thực phẩm cung cấp tại đây. Trong số các em nhập viện, có 5 trẻ bị tụt huyết áp, sức khỏe yếu, lừ đừ. Sau khi sơ cứu, Bệnh viện đã chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị. Hiện nhiều bé đã ổn định nhưng gia đình muốn xin ở lại theo dõi, chưa cho xuất viện. Sự việc đã được trình báo lên Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM. Hiện Đội quản lý An toàn thực phẩm số 6 -Tân Phú đang cùng phối hợp với cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất bánh mì... niêm phong để kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.
Trước đó, sáng 27/10, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 42 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn và đi ngoài do ăn các món thực phẩm từ thịt trâu. Đến sáng qua (28/10), tình hình sức khỏe của các nạn nhân đã cơ bản ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, nếu không có gì thay đổi hôm nay, các nạn nhân sẽ được ra viện. Thịt trâu các nạn nhân ăn được mua ở chợ huyện và chế biến tại nhà ông Lò Văn Xương là trưởng bản.
Một trường hợp ngộ độc thực phẩm khác trong thời gian mới đây là vụ việc xảy ra chiều 26/10 tại công ty TNHH NYG Việt Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Long Khánh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai khiến 99 công nhân phải nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại công ty. Theo các công nhân, họ dùng bữa trưa tại nhà ăn công ty lúc 11h trưa, đến khoảng hơn 13h thì hàng trăm người có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh xác nhận, có 99 công nhân nhập viện với các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Sau khi được điều trị tích cực, đến sáng ngày 27/10 đã có 29 công nhân được xuất viện, còn 70 công nhân đang tiếp tục điều trị. Ngay sau khi xảy ra sự việc, ngành chức năng đã lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm. Liên đoàn Lao động thị xã Long Khánh cũng đã có mặt, làm việc với Công ty NYG Việt Nam, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Chấn chỉnh, siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Bình Định, Điện Biên, Lào Cai, Đắc Lắc, Kon Tum, Cần Thơ, Kiên Giang.
Ngoài kiểm tra tại 18 Sở Y tế, đoàn cũng sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn các tỉnh, thành phố này. Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền của một số cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Đây cũng là hoạt động tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Qua đó, đoàn kiểm tra sẽ phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những biện pháp khắc phục những sơ hở bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra sẽ được gửi về Thanh tra Bộ làm đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ tổng hợp chung để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng cho biết, Nghị định 115/2018 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10 đã đưa ra quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm. Theo đó, những hành vi bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm; Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.
Hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật; Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nghị định này quy định có thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng đối với vi phạm quy định về sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và các vi phạm trong khung hình phạt từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, từ khi thành lập (tháng 3/2017) đến quý 3/2018, lực lượng này đã thanh, kiểm tra 3.687 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn TP và xử phạt vi phạm hành chính 623 cơ sở với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng. Trong đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở; buộc tháo gỡ quảng cáo 1 cơ sở; thu hồi, tiêu hủy 34,6 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và 233.230 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, đến nay Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn TP đã cấp 288 giấy chứng nhận cho 142 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn TP Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng hơn 120.503 tấn/năm. Đến cuối năm 2019, sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP được kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn. |