Tôi đọc được ở đâu đó câu nói nhận định rằng: Trong bất kỳ môi trường sư phạm nào, sợi dây liên kết giữa giáo viên và học sinh luôn được nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là nền tảng, để tạo nên một môi trường giáo dục nhân văn và hiệu quả.
Nhìn lại về quá trình học tập của mình ở trên ghế nhà trường, quả thực, có những người thầy, người cô đã để lại ấn tượng trong tôi rất lớn. Tôi từng rất nhớ một câu hỏi của cô giáo chủ nhiệm hồi năm lớp 10 rằng “sao em lại nhuộm tóc?”, sau khi phát hiện ra học sinh của mình có mái tóc hơi hoe vàng. Và lời giải thích cho câu hỏi rất nhẹ nhàng của cô, đại ý rằng, tôi là một học sinh cô rất yêu quý, là một học sinh ngoan. Bình thường, em rất xinh rồi, không nên nhuộm tóc để gây sự chú ý vì nội quy nhà trường cấm học sinh nhuộm tóc… Cách đây chừng 15 năm, lại là một học sinh miền núi, việc nhuộm tóc trong trường học là điều gì đó rất xa xỉ. Chỉ vì muốn nổi trội hơn các bạn, ham vui hơn các bạn nên tôi chọn cách nhuộm tóc mặc dù biết đã vi phạm nội quy của nhà trường.
Cô chủ nhiệm đã chọn cách ngồi lại tâm sự với tôi, thay vì đưa lên Ban Giám hiệu nhà trường kiểm điểm. Và sau cuộc nói chuyện đó, tôi hiểu rằng, mình không cần phải làm gì khác mọi người để gây sự chú ý. Rồi lại phải che giấu việc làm sai của mình. Điều quan trọng nhất với bản thân lúc này là học tập thật tốt, phát huy đúng sở trường và tham gia nhiều cuộc thi, tham gia nhiều hoạt động của trường, lớp...
Vẫn là ấn tượng về cô giáo cũ. Cô gần gũi với chúng tôi đến mức, có lần cô mời cả lớp về nhà chơi và thiết đãi chúng tôi những món ngon. Khoảng cách cô trò khi ấy thật sự rất thân thương, gần gũi. Cô còn tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia ngoại khóa lao động quét, dọn vườn (nhà cô) để lấy quỹ lớp, cùng nhau liên hoan, tham gia các buổi vui chơi tập thể… Phần nhiều vì yêu quý cô, tập thể lớp tôi khi đó luôn cố gắng phấn đấu để là tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết, không vi phạm nội quy của nhà trường.
Kể lại câu chuyện cũ để thấy rằng, quyền uy của các thầy cô không cần phải là những mệnh lệnh, những phán xét. Đôi khi chỉ bằng sự chân thành, lắng nghe, chia sẻ cũng có thể cảm hóa được học trò… Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện học sinh vi phạm, thường giáo viên dễ sa vào đổ lỗi, chỉ trích học sinh và đòi hỏi học sinh phải chấm dứt hành vi hoặc thực hiện một hành vi mà giáo viên mong muốn. Với cách đó, học sinh thường phản ứng gay gắt và không thay đổi hành vi của mình. Học sinh luôn cần được thể hiện sự tôn trọng và được nói lên tiếng nói của mình… Chính sự cởi mở ấy là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ thầy trò gần gũi và bền vững.