Ngoại trưởng Anh Dominic Raab trong hôm 26/7 đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Chính phủ nước này khi áp đặt lệnh cách ly kéo dài 2 tuần lễ đối với những du khách trở về từ Tây Ban Nha. Quyết định này đang làm dấy lên làn sóng giận dữ và hoang mang trong cộng đồng du khách.
Quyết định bất ngờ
Quyết định loại Tây Ban Nha khỏi danh sách an toàn du lịch đã được công bố vào tối ngày 25/7 và có hiệu lực ngay từ nửa đêm (23h00 cùng ngày, theo giờ địa phương), khiến cho nhiều du khách không có đủ thời gian để lên lại kế hoạch du lịch của mình, hoặc rời khỏi Anh.
Ngoại trưởng Raab đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của Chính phủ Anh liên quan tới lệnh cách ly, nói rằng đây là “phản ứng kịp thời” nhằm đối phó với số ca nhiễm Covid-19 đang tăng đột biến ở Tây Ban Nha. “Chúng tôi không thể đưa ra lời xin lỗi được… chúng tôi cần phải đưa ra hành động nhanh chóng và quả quyết”, ông Raab nói.
Người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách y tế của Công đảng đối lập, Jonathan Ashworth, cùng ngày đã chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson vì cách xử lý “rõ ràng là hỗn loạn”, gây ảnh hưởng tới kế hoạch đi nghỉ, du lịch của rất nhiều du khách.
Động thái trên cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp du lịch của Tây Ban Nha, trong bối cảnh nước này bắt đầu hồi phục sau nhiều tháng phong tỏa và hạn chế di chuyển do đại dịch Covid-19.
Tại sân bay Barajas ở thủ đô Madrid, một du khách tên Emily Harrison đang bắt chuyến bay tới London cho hay cô đang phải đối mặt với khả năng bị cách ly trong vòng 2 tuần lễ. “Điều này thực sự tồi tệ bởi nó diễn ra quá bất ngờ, chúng tôi không có đủ thời gian để chuẩn bị, giờ mọi người đều hoảng loạn” – Harrison cho hay.
Tây Ban Nha đã được cho vào danh sách các quốc gia mà Chính phủ Anh từng nói là an toàn đối với du khách - có nghĩa rằng du khách từ Tây Ban Nha trở về nhà sẽ không phải cách ly. Nhưng chính quyền Madrid trong những tuần gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh, khiến phần lớn các khu vực của nước này phải áp đặt quy định đeo khẩu trang, một số khu vực như Barcelona còn kêu gọi người dân ở trong nhà.
“Chúng tôi đều cảm thấy rất bối rối vì quyết định này, bởi thực tế thì ở Tây Ban Nha khá an toàn” – du khách Anh tên Carolyne Lansell, nói về quyết định cách ly và thêm rằng cô đã bay từ Madrid tới Ibiza để có kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày trước khi trở về nước.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, nói rằng nước này “tôn trọng những quyết định của Anh” và đang liên lạc với chính quyền tại đó.
Tây Ban Nha là một trong số những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch Covid-19, với hơn 290.000 ca nhiễm và hơn 28.000 ca tử vong. Nước này từng áp dụng những biện pháp phong tỏa cực kỳ nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lan của dịch, và bắt đầu gỡ bỏ dần từ đầu mùa Hè.
“Thảm họa” với nền kinh tế
Quyết định của Anh được công bố sau khi Na Uy có bước đi tương tự, trong đó áp dụng lệnh cách ly 10 ngày đối với những người trở về từ Tây Ban Nha, trong khi Pháp khuyến cáo người dân không đến khu vực Catalonia ở Đông Bắc Tây Ban Nha.
Sự suy sụp của ngành công nghiệp du lịch Anh sẽ gây ảnh hưởng sâu tới nền kinh tế của Tây Ban Nha, nơi mà du lịch chiếm tới 12% tổng GDP. Người Anh cũng chiếm hơn 20% tổng lượng du khách nước ngoài tới Tây Ban Nha hàng năm.
“Quyết định này là một thảm họa đối với đà phục hồi của nền kinh tế, không còn cách nhìn nào khác cả” - Angel Tavares, người đứng đầu Phòng Kinh tế châu Âu thuộc Hãng tư vấn Oxford Economics, bình luận trên Twitter.
Antonio Perez, Thị trưởng Benidorm, một thành phố nghỉ dưỡng ven bờ Địa Trung Hải có nền kinh tế dựa chủ yếu vào lượng du khách đến từ Anh, thì cho rằng đây là một đòn giáng mạnh.
Ngoài chỉ thị cách ly 2 tuần lễ, Bộ Ngoại giao Anh còn khuyến cáo người dân không di chuyển tới Tây Ban Nha nếu không có việc thực sự cần thiết. chính quyền khu vực ở các đảo Canary và Baleric, hai điểm đến nổi tiếng trong mùa du lịch, nói rằng họ sẽ cố gắng thuyết phục Chính phủ Anh miễn trừ họ khỏi danh sách cách ly.
Italy phạt nặng người không đeo khẩu trang khi đi mua sắm
3 người dân thành phố Salerno, miền Trung Italy, đã bị phạt 1.000 euro cho mỗi người do không đeo khẩu trang theo quy định trong các cửa hàng, trung tâm thương mại. Quyết định xử phạt được Chủ tịch vùng Campagnia, Vincenzo De Luca ký ngày 24/7 trong nỗ lực kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là mức phạt nặng nhất, lần đầu tiên được ban hành tại Italy kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Nam Âu này. Những cửa hàng bị phát hiện vi phạm có thể bị buộc phải đóng cửa.