Từ TP Thanh Hóa, di chuyển ngược lên các bản làng vùng cao thuộc các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước…, không khó bắt gặp hình ảnh những guồng nước được bà con nông dân làm bên các bờ suối để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Do hệ thống mương mán phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, điều kiện nước sinh hoạt rất khó khăn nên người dân tận dụng nguồn nước suối tuôn chảy quanh năm để sử dụng những guồng nước (hay còn gọi với cái tên khác là cọn nước) để dẫn nước phục vụ việc tưới tiêu được thuận lợi hơn. Những guồng nước được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên của núi rừng như cây tre, cây vầu (hoặc cây đền), nứa. Guồng nước được vận hành bằng cách lợi dụng sức chảy của dòng nước để quay tròn, lấy nước vào máng đưa lên cao, dẫn vào ruộng lúa. Ghi nhận ở thôn Sát, xã Ban Công (huyện Bá Thước) được biết, ở nơi đây, đồng ruộng của bà con thường cao hơn sông, suối nên vào mùa khô hạn, người dân không có nước để làm đất. Trước bài toán khó, bà con đã nghĩ ra cách làm những guồng nước để có thể cung cấp nguồn nước tưới tiêu từ suối dẫn vào đồng ruộng. Ông Hà Văn Cường (trú thôn Sát) chia sẻ: Một guồng nước có đường kính 2,5 mét sẽ đẩy nước tưới cho diện tích 1.000 m2 đất lúa. Từ khi có guồng nước, người dân có thể canh tác 2 vụ lúa/năm với năng suất bình quân hơn 2 tạ/sào, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Người dân địa phương đánh giá, phương pháp lấy nước này đã có từ lâu đời nhưng vẫn hữu hiệu cho đến ngày nay. Dù kỳ công và thường phải làm lại sau mỗi đợt lũ, nhưng đây là phương tiện tưới nước hữu hiệu, ít tốn kém về kinh phí và thân thiện với thiên nhiên của người miền núi. Tại bản Bách, xã Trung Thượng (huyện Quan Sơn), những guồng nước này trước đây người dân làm chủ yếu lấy nước về bản phục vụ sinh hoạt, sau này mới được vận dụng vào việc phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Đa phần các guồng nước đều có hình dạng như một chiếc bánh xe và quay quanh một cái trục cố định được chôn chắc chắn. Cần đến khoảng 5 đến 10 người đàn ông với hai ngày công mỗi người có thể làm được một chiếc. Trục quay là “trái tim” của guồng nước, nên nguyên liệu làm phải từ cây gỗ thẳng nhẹ, chắc chắn, có khả năng chịu mài mòn và chịu nước cao. Những chiếc guồng được cấu tạo giống như bánh xe đạp khổng đồ và có đường kính từ 5 đến 10 m. Phía ngoài cùng của guồng nước sẽ được lắp đặt những ống đựng nước (làm từ cây vầu), khi guồng nước quay sẽ nhấn những ống đựng nước sâu xuống suối để lấy nước, rồi quay nâng ống lên cao sau đó đổ vào một máng nước. Từ đó, nước theo máng chảy vào hệ thống làm từ thân cây luồng rồi chảy vào đồng ruộng. Guồng nước hoạt động suốt đêm ngày, đã gánh vác một phần công việc đáng kể cho người dân nơi đây. Ngoài việc giúp đồng ruộng luôn duy trì nước tưới, những chiếc guồng còn là những điểm nhấn độc đáo, thu hút nhiều du khách mỗi khi đến với không gian bản làng vùng cao Thanh Hóa.